Nếu bạn là nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán chắc hẳn không còn xa lạ với mẫu hình VCP – Mẫu hình thu hẹp biên độ biến động được Mark Minervini ví như “chén thánh” trong giao dịch của mình. Thật không quá khi nói như vậy, bởi nó đã mang đến cho ông rất nhiều lợi nhuận từ thị trường. Vậy mẫu hình VCP là gì? Các đặc điểm của mẫu hình này như nào? Cùng mình tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé.
Mô hình VCP là gì?
VCP là từ viết tắt của Volatility Contraction Pattern – Mẫu hình thu hẹp biên độ biến động. Đặc trưng ở mẫu hình này là sự thu hẹp biến động của giá trước khi chuẩn bị tăng tốc đến một nền giá mới.
Ở ví dụ trên, chúng ta có thể thấy đường đi của giá giống như một giao động với biên độ giảm dần trước khi xuất hiện điểm break out. Phiên trước break-out, giá giao động trong biên độ hẹp với volume cạn kiệt.
Các đặc trưng của mẫu hình VCP
- Mẫu hình thường xảy ra ở mức giá cao khi cổ phiếu đã tăng 30, 40, 50%..
- Số lần thu hẹp: Độ biến động bị thu hẹp từ trái sang phải từ 2 - 6 lần, thông thường là từ 2-4 lần. Trong ví dụ trên, các đoạn (1), (3) và (5) tương ứng với 3 lần thu hẹp giá.
- Biên độ của mỗi lần thu hẹp giảm dần: Trong ví dụ trên, biên độ của các đoạn điều chỉnh (1), (3) và (5) là giảm dần.
- Quá trình thu hẹp biến động giá luôn đi kèm với sự thu hẹp của khối lượng, một tín hiệu cho thấy nền giá đang được hoàn tất.
- Lần điều chỉnh đầu tiên từ đỉnh đến đáy khoảng 25% và mỗi lần thu hẹp liên tiếp độ biến động thường giảm đi một nửa so với trước đó (có thể lệch một vài %).
Ví dụ: Một cổ phiếu ban đầu có thể giảm 25% từ đỉnh cao nhất đến đáy thấp nhất của nó. Sau đó, cổ phiếu này hồi phục đôi chút và giảm tiếp 15%. Tại thời điểm người mua tham gia trở lại, giá chỉ tăng đôi chút bên trong nền giá và sau đó giảm tiếp 8%.
Phân tích tâm lý mẫu hình VCP
Mẫu hình VCP hình thành dựa trên quy luật cung - cầu. Qua các đợt điều chỉnh, lượng cung giảm dần cho đến khi cạn kiệt nguồn cung (Trong ví dụ trên, tại đợt giảm giá cuối cùng - đoạn 5 – lượng cung đã cạn kiệt). Do đó biên độ của mỗi lần điều chỉnh sẽ giảm dần.
Có thể hiểu mỗi đợt co thắt là những đợt tạo đáy cao dần, bên mua ngày một mạnh và sẵn sàng mua ở giá cao hơn. Các đợt cung của bên bán dần được hấp thụ. Cho đến khi nguồn cung cạn kiệt, bên mua thắng thế và sẵn sàng mua cao hơn vùng kháng cự, giá sẽ xuất hiện nhịp breakout xác nhận mô hình được hoàn thành. Những đợt đáy cao dần cũng ngụ ý các đợt đẩy giá xuống của bên bán ngày càng yếu và không tạo được áp lực lớn kiểm soát giao dịch của cổ phiếu.
=> Để bắt đầu hành trình đầu tư một cách hiệu quả và bền vững, nhà đầu tư hãy tham gia ngay Khóa Học Miễn Phí Let's Investing K8, khóa học Đầu tư Chứng khoán chỉ với 0 đồng học phí. Đăng ký ngay tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing
Cách thức giao dịch
Mẫu hình thường hình thành trong vài tuần trước phiên breakout (bùng nổ của giá + thanh khoản). Khi đó thời điểm mua vào tốt nhất là tại phiên trước break out (phiên volume cạn kiệt), hoặc tại phiên break out khi giá vượt khỏi đường kháng cự của VCP tăng giá.
Mục tiêu ngắn hạn: giá từ đường kháng cự cộng thêm khoảng cách của độ sâu của đợt co hẹp đầu tiên (đoạn 1).
Điểm cắt lỗ: ở nền đáy gần nhất với điểm mua tại phiên trước breakout hoặc đường kháng cự nay trở thành hỗ trợ với điểm mua phiên break.
Những lưu ý khi sử dụng mẫu hình VCP
- Mẫu hình VCP sử dụng tốt nhất khi một cổ phiếu đang trong trend tăng dài hạn.
- Khung thời gian tốt nhất để phân tích là nến Ngày, đôi khi là nến Tuần.
- Chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi mẫu hình hoàn tất mới thực hiện mua vào tránh trường hợp mua quá sớm sẽ bị chôn vốn hoặc mất kiên nhẫn sẽ bán ra.
Quan sát với cổ phiếu DXG - CTCP Tập đoàn Đất Xanh từ thời điểm tháng 6/2021 đến tháng 9/2021 ta thấy: Giá cổ phiếu đã có 3 đợt co hẹp với biên độ lần lượt là 31%, 16% và 8% với lượng cung cạn dần, giá break đường kháng cự phiên 23/9 sau đó lình xình vài phiên, tuy nhiên không giảm qua kháng cự rồi bứt phá mạnh, tiếp tục xu hướng tăng giá trước đó.
Ví dụ thứ hai: Cổ phiếu BWE của CTCP Nước - Môi trường Bình Dương từ thời điểm 19/4/2022 đến nay: Giá cổ phiếu đã có 3 đợt co hẹp với biên độ lần lượt là 26%, 18% và 6% với lượng cung giảm dần và break đường kháng cự tại phiên 12/9, giá tiếp tục tăng tốt sau đó. Tuy nhiên 2 phiên trở lại đây, cùng với sự điều chỉnh trên toàn thị trường, BWE cũng không thể đi ngược, giá hiện tại đang dừng chân tại đường kháng cự (nay trở thành hỗ trợ). Chúng ta có thể quan sát diễn biến giá tại vùng này, nếu không vi phạm sẽ là cơ hội có thể chú ý thời gian tới. Trong trường hợp ngược lại, với những ai đã tham gia, nếu giá tiếp tục giảm qua vùng này, mẫu hình sẽ thất bại, chúng ta cần lưu ý cutloss để bảo vệ tài khoản.
Tóm lại, mô hình thu hẹp biến động thể hiện sự tích lũy sức mạnh của bên mua trước khi breakout vượt kháng cự. Bạn cũng có thể tìm hiểu chi tiết hơn về mẫu hình này trong cuốn sách “Giao dịch như một phù thủy chứng khoán” của Mark Minervini. Cùng thảo luận bên dưới nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc gì về mô hình này nhé.
=> Xem thêm: Kênh Youtube đầu tư chứng khoán cùng Take Profit để cập nhật những tin tức, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Cùng với đó là chuyên mục nhận định thị trường chứng khoán hàng ngày, cũng như giải đáp cổ phiếu cho nhà đầu tư.