Việc phân tích về các yếu tố cơ bản của cổ phiếu như doanh thu, lợi nhuận, các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp hay bất cứ catalyst nào đều rất quan trọng. Tuy nhiên, nên nhớ rằng tất cả những điều đó phải được tạo nên bởi Ban lãnh đạo của doanh nghiệp đó. Liệu chúng ta có thể ngủ yên giấc khi giao những khoản tiền mà bản thân đã phải vất vả kiếm được vào tay người mà mình không tin tưởng? 

Vì thế, việc nhìn nhận và đánh giá được Ban lãnh đạo không kém phần quan trọng so với việc phân tích những yếu tố khác của doanh nghiệp. 

Những yếu tố hình thành nên một ban lãnh đạo tốt

Một ban lãnh đạo sẽ cần rất nhiều yếu tố để có thể đưa doanh nghiệp lên đến đỉnh cao. Tuy nhiên, không phải ban lãnh đạo nào cũng sở hữu những yếu tố như vậy, vậy những yếu tố nào là quan trọng để nhận biết được đâu là một ban lãnh đạo tốt?


Ban lãnh đạo sở hữu bao nhiêu cổ phiếu của công ty mình đang điều hành? 

Đôi khi phân tích doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông sẽ bị bỏ qua do nhiều nhà đầu tư cảm thấy không quan trọng. Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như không mấy quan trọng đó lại đem đến những hậu quả rất lớn. Một ví dụ, nếu công ty làm ăn tốt, giá cổ phiếu sẽ được phản ánh tích cực theo, vậy nên nếu Ban lãnh đạo sở hữu càng nhiều cổ phiếu thì động lực để họ giúp công ty phát triển sẽ càng tăng lên hay nói cách khác là Ban lãnh đạo sẽ gắn lợi ích của mình với những giá trị của công ty. Điển hình là CTCP Hóa chất Đức Giang (DGC) khi Ban lãnh đạo chiếm đến hơn 40% cổ phần của DGC và chúng ta cũng có thể thấy DGC phát triển mạnh mẽ như thế nào và giá cổ phiếu đã phản ánh ra sao. 


Quay lại “hậu quả lớn” mà được nhắc đến lúc trước, nếu Ban lãnh đạo sở hữu ít cổ phần của công ty, có 2 vấn đề sẽ phát sinh đó là (1) Ban lãnh đạo sẽ không hết mình cho sự phát triển của công ty vì không có lợi ích gì ở đó cả và (2) Công ty có khả năng sẽ bị thâu tóm và Ban lãnh đạo sẽ bị lo lắng, chỉ tập trung xử lý vấn đề về thâu tóm mà quên mất đi nhiệm vụ chính của mình là phát triển công ty. Đây là một vấn đề lớn và nó đã từng xảy ra ở một số công ty nổi tiếng trên sàn như VCS và cách đây không lâu là vụ lùm xùm rất lớn của CTD. 


=> Tham gia ngay: Khóa học phân tích kỹ thuật chứng khoán Trading Mastery 


Ban lãnh đạo có đặt đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu không?

Ban lãnh đạo không “chơi” cổ phiếu của chính công ty mình. Ban lãnh đạo và những người có liên quan thực hiện liên tục những việc mua bán, giao dịch cổ phiếu có thể cho thấy những dấu hiệu của việc thao túng, tạo lập giá cổ phiếu. Chắc hẳn các nhà đầu tư không còn xa lạ gì với một số công ty trên sàn đã phải nhận những hậu quả gì khi Ban lãnh đạo làm những việc mang tính thiếu “đạo đức” đó. Ví dụ như FLC đã giảm giá từ 24.000 đồng/CP xuống chỉ còn hơn 3.000 đồng/CP sau khi vụ việc chủ tịch bán cổ phiếu nhưng không thông báo. Một Ban lãnh đạo tốt sẽ là người tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh hơn là chỉ chăm chăm vào việc giao dịch cổ phiếu của chính mình. 


Ban lãnh đạo không có công ty “sân sau”

Có rất nhiều case study trên sàn mà Ban lãnh đạo có những công ty “sân sau”. Cụ thể là Ban lãnh đạo có sở hữu nhiều cổ phần tại những công ty khác và họ sẽ ra những quyết định nhằm mục đích tạo ra những giao dịch với những bên đó nhằm mục đích chuyển lợi nhuận sang những công ty mà họ nắm nhiều lợi ích hơn. 

Một trường hợp khá nổi tiếng trước đây liên quan đến những giao dịch của “công ty người nhà” là HSG khi công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen do chủ tịch sở hữu đã thực hiện rất nhiều giao dịch mua bán với HSG, sự việc này có thể sẽ chuyển được lợi nhuận từ HSG sang công ty do chủ tịch sở hữu riêng. Điều này sẽ làm tổn hại đến những cổ đông nhỏ lẻ và đây là một điểm khá khó nhận biết nếu không đào sâu tìm hiểu về những sở hữu riêng của Ban lãnh đạo công ty và những giao dịch có liên quan của công ty. 

Minh bạch và trung thực có phải là những gì mà Ban lãnh đạo đang có?

Đối với những nhà đầu tư tổ chức, minh bạch và trung thực là 2 điều cần phải có của nhà lãnh đạo công ty trước khi các nhà đầu tư giải ngân tiền của mình vào. Một ban lãnh đạo sẵn sàng công bố mọi thông tin về tài chính, về những khó khăn mà công ty đang gặp phải sẽ cho thấy rằng họ không hề lừa dối cổ đông, dám nhìn nhận thẳng vào thực tế và tìm cách tháo gỡ khó khăn một cách công khai. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được như vậy vì khi công bố những thông tin xấu ra bên ngoài thì giá cổ phiếu chắc chắn sẽ phản ứng và giảm mạnh, gần đây nhất là trường hợp của HPG khi chủ tịch dám công khai những khó khăn mà công ty đang và sẽ gặp phải một cách công khai ngay trong Đại hội đồng cổ đông.


Tất nhiên nếu là Ban lãnh đạo thì sẽ không hề muốn để giá cổ phiếu của công ty mình rơi vào trường hợp như vậy. Vì vậy để có thể minh bạch và trung thực, không giấu diếm các cổ đông không phải là một việc dễ dàng gì, nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải dám chấp nhận hy sinh những lợi ích trước mắt để tập trung cho sự phát triển trong dài hạn của công ty.

Tầm nhìn và kế hoạch của Ban lãnh đạo có đủ “tầm”?

Sau cùng, cái mà nhà đầu tư có thể đánh giá được là số liệu và nó phải được thể hiện trên kết quả kinh doanh của công ty. Những kết quả kinh doanh tốt sẽ phải được phản ánh bởi tầm nhìn và những kế hoạch của Ban lãnh đạo trong ngắn, trung và dài hạn. Vậy nên, một tầm nhìn đủ dài và một kế hoạch triển khai chi tiết cho từng mốc thời gian sẽ là những gì nhà đầu tư kỳ vọng và đánh giá liệu rằng Ban lãnh đạo có đủ “tầm” để có thể lèo lái công ty đi đến thành công hay không. 


Ban lãnh đạo có thể coi là linh hồn của công ty. Một Ban lãnh đạo có một vài đặc điểm tốt có thể đưa công ty từ “trung bình” thành  “tốt”, tuy nhiên một ban lãnh đạo có tất cả đặc điểm tốt có thể sẽ đưa công ty từ “tốt” thành “vĩ đại”. Vậy nên trước khi đào sâu phân tích 1 cổ phiếu nào thì điều đầu tiên nên làm đó là tìm hiểu về Ban lãnh đạo của công ty để có thể yên tâm rằng tiền của mình giao cho đúng người.