Giai đoạn thị trường sôi động, nhiều doanh nghiệp tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán để huy động vốn cũng như khẳng định được vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu của mình. Vậy có nên mua cổ phiếu IPO hay không? Bài viết này sẽ phần nào giúp anh chị em đưa ra quyết định.
Cổ phiếu IPO hoặc niêm yết
IPO (Initial Public Offer) là hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu của một công ty nội bộ ra công chúng. Sau khi công ty hoàn thành những thủ tục nhất định từ Sở giao dịch chứng khoán, công ty sẽ chính thức niêm yết cổ phần lên sàn và chuyển từ CTCP đại chúng chưa niêm yết trở thành CTCP đại chúng niêm yết.
Như đã đề cập ở tiêu đề thì việc doanh nghiệp tiến hành IPO đa phần sẽ tốt cho doanh nghiệp. Nhưng trong giao dịch chứng khoán có thể sẽ là 1 câu chuyện khác với nhà đầu tư. Bằng chứng là anh chị em có thể nhìn lại các trường hợp IPO trong quá khứ để so sánh khả năng kiếm được tiền hay mất tiền nhiều hơn.
1. VCB sau khi IPO từ 2010 cũng phải mất trên 5 năm để từ lỗ sâu về hoà vốn.
2. BSR, OIL được kỳ vọng rất lớn rồi cũng mất 3 năm lỗ sâu, đến hiện tại vẫn chưa thấy ai về bờ.
3. POW đã giảm 50% từ khi niêm yết đợt tháng 3 năm 2018 và đến tuần cuối cùng của 2021 mới chính thức tiên phong “vượt đỉnh” trong gia đình những anh chị em dầu khí.
4. MSH trước khi có 1 cú chuyển mình vào 2020 thì đã giảm khoảng 20% kể từ khi niêm yết vào năm 2018.
5. CRE sau khi IPO đã có 2 năm ngụp lặn. Cùng giai đoạn đó những C4G, LTG downtrend bền vững những năm đầu xuất hiện.
6. Những cổ phiếu vàng trước khi lên sàn như VHM, VRE, TCB, FRT sau khi niêm yết tăng được chút và rơi cũng khiến nhiều người mất 3 năm để về bờ.
7. Cổ phiếu YEG của tập đoàn Yeah1 là thương vụ IPO tốn cực kỳ nhiều giấy mực với mức giá giao dịch lần đầu hơn 200.000đ/cp. Và đến nay chúng ta đang được chứng kiến YEG tăng trần với giá 23.700đ
Xin nhắc lại đây đa phần là những cổ phiếu giảm ngay sau khi niêm yết. May mắn kẹp cổ phiếu tốt thì còn có ngày nhìn thấy bờ. Kém may mắn hơn thì gặp phải cổ giảm 80-90% và sau 10 năm không còn nhìn thấy cửa về bờ ấy. Vì vậy cơ hội kiếm được tiền khi mua dạng này vẫn có nhưng ít và bản thân mình thấy rủi ro thua lỗ chiếm phần đa số. Tất nhiên sẽ còn phụ thuộc vào từng giai đoạn thị trường, nhưng thường khi IPO mọi thứ tươi đẹp nhất sẽ được Book lên giống như cô dâu trang điểm đám cưới trước khi tẩy trang, rồi chưa kể là những ngày tháng mang bầu sau đó. Không đâu xa mà chính nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng không mua các cổ phiếu mới IPO hoặc có lịch sử hoạt động dưới 10 năm, bởi chưa có đủ thời gian chứng minh năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là khả năng chống chọi qua khủng hoảng, giông bão và những “thiên nga đen” như Covid trên thị trường.
Tiếp tục tìm câu hỏi cho việc tại sao giá cổ phiếu rơi không phanh sau niêm yết, có thể kể thêm các lý do sau:
Doanh nghiệp và Investment Banking cố gắng bán giá càng cao càng tốt
Khi bán được giá cao hơn đồng nghĩa là doanh nghiệp huy động được nhiều vốn hơn, IB cũng sẽ được chia hoa hồng cao hơn hoặc chính họ cũng sẽ thoái cổ phiếu được chia với giá cao. Nếu động cơ của họ là như vậy thì cũng đừng ngạc nhiên nếu trong quá trình định giá lần đầu, các Investment banking này sẽ đặt các chỉ số tăng trưởng cao hơn một chút.
Các công ty cũng sẽ cố gắng sử dụng các nghiệp vụ kế toán để làm kết quả hoạt động, tính hình tài chính của doanh nghiệp tốt hơn một chút, tăng trưởng đột biến ở năm gần nhất,… nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Qua đó làm thị giá cổ phiếu niêm yết lần đầu trên sàn cao hơn giá trị thực của cổ phiếu. Và tất nhiên trong dài hạn, giá cổ phiếu sẽ phải điều chỉnh lại về vùng hợp lý hơn.
Ngoài ra yếu tố làm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu tiếp theo phải kể đến việc cung cổ phiếu cũng sẽ tăng lên đột biến do nhu cầu thoái vốn của cổ đông lớn…
=> Tham khảo thêm chuyên mục: Kiến thức chứng khoán
Nhu cầu thoái vốn của các quỹ đầu tư, cổ đông lớn
Hãy thử hình dung bạn là một cổ đông lớn của doanh nghiệp, đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong nhiều năm. Trước khi là doanh nghiệp đại chúng, nếu muốn thoái vốn bạn phải tìm được nhà đầu tư khác cũng đang có nhu cầu đầu tư vào doanh nghiệp, sau đó chuyển nhượng phần vốn góp đó. Điều này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, nếu giá thỏa thuận không đạt như kỳ vọng thì thỏa thuận đó cũng sẽ rất khó được thực hiện. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán, bạn có thể dễ dàng bán một phần cổ phiếu đó ra.
Với việc đã góp vốn từ lâu và nếu hoạt động IPO thu hút được sự quan tâm của nhiều người trên thị trường thì bạn sẽ được thu được khoản lợi nhuận lớn khi giá cổ phiếu được đẩy lên rất cao. Đây cũng chính là cách để thoái vốn mà các Startup luôn dùng để lôi kéo những nhà đầu tư mạo hiểm khi đầu tư vào công ty còn đang non trẻ. Hãy cùng xem thử những cổ đông lớn của doanh nghiệp sẽ làm gì sau khi cổ phiếu được IPO. Và khi một số lượng lớn cổ phiếu được bán ra nếu không tìm được đối tác mua tương ứng thì giá cổ phiếu sẽ có xu hướng giảm.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của hoạt động IPO bởi vì rõ ràng rằng nếu không có hoạt động IPO thì sẽ không thể có thêm những cổ phiếu mới, những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tuyệt vời trong tương lại cho chúng ta đầu tư. Tuy nhiên bạn cũng nên cẩn trọng hơn, đừng quá tự tin khi nghe những bài giới thiệu có cánh của doanh nghiệp, đơn vị tư vấn. Hãy nắm rõ mục đích của họ trong giai đoạn này là gì để có hành động hợp lý hơn. Hãy cứ bình tĩnh và chờ đợi cổ phiếu mới lên sàn trong 1 – 2 năm đã rồi hẵng cân nhắc tới việc đầu tư cũng không muộn.
Doanh nghiệp hay con người, muốn đánh giá đúng cần có thời gian dài quan sát. Đừng vì sự hào nhoáng hay thất bại ngắn hạn mà ca tụng hay chê bai. Giá cổ phiếu trong dài hạn sẽ phản ánh đúng giá trị thực của chúng, vì thế cơ hội tham gia sau này cũng sẽ còn rất nhiều. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và quan sát khi doanh nghiệp lên sàn một thời gian ít nhất từ 3-6 tháng và đừng quên nâng cấp bản thân trước khi đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào.
Vương Nam – Take Profit