Bản cáo bạch là gì? Trong đầu tư chứng khoán, thuật ngữ bản cáo bạch được sử dụng để chỉ một bản trình bày công khai và rõ ràng về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính cũng như kế hoạch sử dụng nguồn vốn huy động được từ việc phát hành chứng khoán của các doanh nghiệp. Nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp khi thực hiện phát hành chứng khoán ra công chúng sẽ phải công bố các thông tin bao gồm: thông tin doanh nghiệp, những cam kết của doanh nghiệp cũng như những quyền lợi hợp pháp của người sở hữu chứng khoán,...Nhà đầu tư trước khi quyết định có mua chứng khoán của doanh nghiệp đó hay không sẽ dựa vào những thông tin này để làm cơ sở đánh giá. Và bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu hay trái phiếu chính là một tài liệu cung cấp những thông tin đó. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loại tài liệu quan trọng này qua bài viết ngay sau đây! 

Bản cáo bạch là gì?

Bản cáo bạch hay còn gọi là bản công bố thông tin, chính là một tài liệu cung cấp toàn bộ những thông tin liên quan đến đợt phát hành chứng khoán của một doanh nghiệp. Bản cáo bạch tiếng Anh là gì? Trong tiếng Anh, bản công bố thông tin được gọi là Prospectus. Đây được xem như một lời mời hay một sự chào bán từ doanh nghiệp phát hành đến với công chúng để kêu gọi đầu tư vào chứng khoán phát hành đó. Mọi thông tin được trình bày trong tài liệu này sẽ gắn với những điều khoản về việc thực hiện lời mời hay sự chào bán đó.   

Bản cáo bạch sơ bộ là gì?

Một doanh nghiệp khi muốn phát hành chứng khoán thông thường sẽ phải lập một bản công bố thông tin để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, đó gọi là Bản cáo bạch sơ bộ. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thì bản sơ bộ sẽ được coi là bản chính thức. 

Ý nghĩa của bản cáo bạch là gì?

Được coi là một tài liệu có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư, bản cáo bạch là một phương tiện giúp nhà đầu tư đánh giá được triển vọng của doanh nghiệp cũng như mức độ sinh lời của chứng khoán từ đó ra được quyết định mua vào đúng đắn. 

Nhà đầu tư có thể phải trả giá đắt nếu như quyết định vội vàng mà không dựa trên bất cứ cơ sở thông tin nào hoặc căn cứ không đầy đủ. Chính vì thế, nhà đầu tư cần đọc Bản cáo bạch thật cẩn thận, đồng thời phân tích rõ ràng những triển vọng và rủi ro thực sự của doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

Trong bản công bố thông tin, những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết cần được nhà đầu tư đánh giá kỹ lưỡng. Mặc dù thông thường những đợt phát hành chứng khoán lần đầu sẽ là cơ hội đầu tư tốt với tiềm năng đem lại lợi nhuận cao, tuy nhiên vẫn sẽ có tồn tại những rủi ro mà nhà đầu tư cần nắm rõ. 

Xem bản cáo bạch ở đâu?

Bản công bố thông tin của doanh nghiệp được cập nhật cùng các tài liệu của quỹ như báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động, điều lệ quỹ và các tài liệu quan trọng khác tại trang điện tử của VCBF, tại các văn phòng của VCBF và các đại lý phân phối. 

 

=> Ưu đãi 15 ngày trải nghiệm miễn phí toàn bộ tính năng khi Đăng ký Bộ Công Cụ Hỗ Trợ Đầu Tư của TechProfit: https://techprofit.vn/signup?utm_source=web08

Quy định về bản cáo bạch

Khi lập Bản công bố thông tin, các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ theo các quy định sau đây:

  • Đảm bảo các thông tin được công bố trong Bản cáo bạch phải chính xác, rõ ràng, trung thực, không bị mâu thuẫn đồng thời có đầy đủ những nội dung có thể sẽ tác động đến quyết định của nhà đầu tư. Ngôn từ sử dụng phải đơn giản và dễ hiểu; kèm theo giải thích rõ ràng nếu sử dụng trong văn bản những từ viết tắt hoặc thuật ngữ chuyên ngành.  
  • Nêu rõ nguồn tham chiếu đối với những thông tin quan trọng hoặc thông tin mang tính so sánh. 
  • Hình thức rõ ràng, với phông chữ và cỡ chữ được trình bày một cách dễ đọc.
  • Mục đích của việc chào bán, phát hành chứng khoán cũng như kế hoạch sử dụng số tiền huy động được từ đợt chào bán cần phải phù hợp với phương án mà Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp thông qua.
  • Về thông tin tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh cần thể hiện rõ ràng về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, công ty đại chúng chào bán cổ phiếu trong vòng 02 năm tài chính gần nhất tính đến khi quý gần nhất kết thúc; trường hợp là công ty mẹ thì kết quả của hoạt động kinh doanh được doanh nghiệp công bố sẽ bao gồm cả kết quả kinh doanh của công ty mẹ và hợp nhất. 
  • Về thông tin Ban lãnh đạo công ty, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, chủ sở hữu, các cổ đông lớn, thành viên của Hội đồng quản trị, thành viên của Hội đồng thành viên, Kế toán trưởng phải thể hiện được rõ ràng về những lợi ích có liên quan đến doanh nghiệp phát hành và cổ đông của công ty đại chúng chào bán chứng khoán ra thị trường.  
  • Khi phân tích các tác nhân rủi ro cần nêu kèm theo sự ảnh hưởng của chúng đến tình hình tài chính, lĩnh vực kinh doanh, giá chứng khoán, kết quả của hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán; các dự án để sử dụng nguồn vốn huy động được. Cần phân loại những tác nhân rủi ro trên đồng thời đặt tiêu đề sao cho phù hợp theo từng nhóm, sau đó sắp xếp chúng theo thứ tự từ cao đến thấp về mức độ ảnh hưởng tiêu cực.   
  • Nếu có sửa đổi hoặc bổ sung Bản công bố thông tin thì doanh nghiệp phải nêu rõ các nội dung cần sửa đổi hoặc bổ sung và lý do kèm theo. 

Cách đọc bản cáo bạch 

Việc đánh giá doanh nghiệp thông qua bản công bố thông tin của họ là rất quan trọng. Để làm được điều đó, hãy tự hỏi và trả lời cho những câu hỏi chính, ví dụ như: Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có đang tốt hay không? 

Khi doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận cũng tăng, theo đó giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng sẽ tăng. Tuy nhiên những con số không thể nói lên tất cả về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần tìm ra được những tín hiệu tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua cơ sở việc nghiên cứu Bản cáo bạch thật cẩn thận. Đồng thời, nhà đầu tư nên tìm hiểu thêm về ban lãnh đạo của doanh nghiệp, các sản phẩm doanh nghiệp đang kinh doanh cũng như trả lời câu hỏi rằng liệu những sản phẩm đó có thể tiếp tục bán được nữa hay không!

Các thông tin quan trọng cần xem trong bản công bố thông tin

  • Trang bìa (cả mặt trước và mặt sau): phần này sẽ nêu rõ về các chứng khoán sẽ được bán; giá bán từng loại; số lượng được bán và tổ chức có liên quan đế  đợt phát hành. 
  • Thời gian chào bán chứng khoán;
  • Các khái niệm;
  • Hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành;
  • Mục lục;
  • Tóm tắt Bản cáo bạch;
  • Tóm tắt về vốn cổ phần doanh nghiệp, số liệu thống kê từ đợt phát hành, số nợ cũng như phương án sử dụng số vốn huy động được;
  • Thông tin về chứng khoán phát hành;
  • Thông tin về lĩnh vực kinh doanh của công ty;
  • Thông tin về tình hình tài chính;
  • Thông tin về các cổ đông cũng như Ban giám đốc và Hội đồng quản trị công ty; 
  • Các bên đối tác có liên quan đến đợt phát hành; 
  • Các tác nhân gây rủi ro có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cũng như tiềm năng của doanh nghiệp.
  • Phụ lục;
  • Thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và chấp thuận.  

Về phần tóm tắt bản công bố thông tin 

Đây là phần quan trọng giúp nhà đầu tư nắm được một cách khái quát về doanh nghiệp. Bao gồm các thông tin sau đây:

  • Giới thiệu chung về doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh, Ban giám đốc, các cổ đông lớn cũng như người hỗ trợ phát hành;
  • Tóm tắt về vốn cổ phần doanh nghiệp, số liệu thống kê từ đợt phát hành, sổ nợ, số tiền huy động được từ đợt phát hành cũng như kế hoạch sử dụng số tiền đó. 
  • Tóm tắt thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, bao gồm cả triển vọng của doanh nghiệp thời gian tới;
  • Tóm tắt về những tác nhân rủi ro có liên quan hoặc có ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

Những thông tin trong bản tóm tắt này cần được đối chiếu lại với Bản cáo bạch chính thức để đảm bảo các thông tin là chính xác. 

Về phần thông tin lĩnh vực kinh doanh

Bao gồm các thông tin sau đây:

  • Tình hình các lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp;
  • Các loại sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang kinh doanh;
  • Thông tin về khách hàng cũng như nhà cung cấp của doanh nghiệp; 
  • Thông tin về công nghệ, phương thức sản xuất cũng như kênh phân phối doanh nghiệp đang sử dụng;
  • Triển vọng của các lĩnh vực có liên quan hoặc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp;
  • Thông tin về các nhân tố thương mại như hệ thống phân phối, đại lý, hệ thống bán lẻ, giấy phép kinh doanh, nhãn hiệu sản phẩm, khả năng nghiên cứu và phát triển, bằng sáng chế.

Về thông tin tình hình tài chính 

Thông thường phần thông tin tài chính trong Bản cáo bạch được chia thành 2 phần: thông tin tài chính trong quá khứ và thông tin tài chính trong tương lai.

  • Thông tin tài chính trong quá khứ: Phần này thường gồm có tóm tắt các bản báo cáo tài chính đã được kiểm toán và bảng cân đối kế toán được tổng hợp theo mẫu, trích từ Báo cáo của kiểm toán viên trong phần phụ lục của Bản cáo bạch. Một số lĩnh vực kinh doanh còn yêu cầu cung cấp thêm thông tin về luồng thu nhập. Thông thường việc công bố thông tin tài chính trong quá khứ sẽ được xác định từ thời điểm 2 năm tài chính gần nhất. Thông tin cung cấp phải kèm theo giải thích đồng thời phân tích cụ thể hoạt động tài chính doanh nghiệp trong quá khứ. Trường hợp xảy ra sai sót đối với thông tin tài chính mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện ra thì tổ chức bảo lãnh phát hành cũng như tổ chức kiểm toán sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cùng với doanh nghiệp phát hành. 
  • Thông tin tài chính trong tương lai: Phần này sẽ bao gồm các dự tính về doanh thu; lợi nhuận doanh nghiệp trước thuế trước và sau khi tính toán lãi trả cho các cổ đông thiểu số ngoài doanh nghiệp; lợi nhuận doanh nghiệp sau thuế và tổng cổ tức cũng như cổ tức ròng. Dựa vào lợi nhuận được dự tính và giá cổ phiếu được chào bán, nhà đầu tư có thể xác định được các mức giá thị trường của một cổ phiếu dựa theo khoản thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu trong năm mà doanh nghiệp phát hành. Hệ số này được gọi là P/E, giúp nhà đầu tư biết được khi nào giá cổ phiếu sẽ phù hợp với mức thu nhập. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng thường có hệ số P/E cao hơn so với các doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng thấp. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần lưu ý đối với trường hợp P/E doanh nghiệp cao do mức thu nhập thấp. Như vậy, căn cứ vào hệ số P/E cùng sự phân tích chất lượng của doanh nghiệp phát hành, bạn hoàn toàn có thể đánh giá được đợt chào bán, phát hành đó so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động. 

Về thông tin Ban giám đốc, Hội đồng quản trị và cổ đông

Đây là phần thông tin cần đọc, bởi mặc dù chúng không phản ánh được năng lực quản lý của họ, nhưng vẫn phần nào đánh giá được trình độ chuyên môn của những con người này. 

Cần chú ý đến các quyền lợi của Ban giám đốc, Hội đồng quản trị và các cổ đông lớn trong những lĩnh vực kinh doanh tương tự hoặc cách lĩnh vực cạnh tranh nếu như chúng được trình bày trong Bản cáo bạch. Ngoài ra, cần chú thêm về các giao dịch trong quá khứ hoặc tương lai của các doanh nghiệp có liên quan. Dưới đây là những thành viên mà bản cáo bạch sẽ cung cấp đầy đủ thông tin:

  • Các cổ đông lớn, các nhà sáng lập của doanh nghiệp, bao gồm cả tên và cổ phần của những cá nhân đứng đằng sau doanh nghiệp.   
  • Đội ngũ các cán bộ quản lý dưới cấp ủy viên Hội đồng quản trị, với cụ thể kinh nghiệm, trình độ và phần trách nhiệm của từng người. 
  • Hội đồng quản trị với số cổ phần mà họ đại diện, chi tiết về kinh nghiệm, trình độ và phần trách nhiệm của mỗi giám đốc, và ghi rõ họ có phải giám đốc điều hành không. 
  • Tỷ lệ phần trăm sở hữu cổ phiếu hay trái phiếu của mỗi thành viên kể trên. 

Những yếu tố rủi ro

Những yếu tố rủi ro chung gồm có:

  • Rủi ro về ngoại hối.
  • Những thay đổi trong tỷ lệ của lãi suất. 
  • Những diễn biến mới trong chính sách của Chính phủ.
  • Việc tăng hoặc giảm giá chứng khoán phụ thuộc bởi các điều kiện chung trên thị trường chứng khoán cũng như của nền kinh tế trong và ngoài nước. 

Những rủi ro có thể xảy ra của doanh nghiệp gồm có:

  • Sự thay đổi về giá của nguyên liệu thô.
  • Sự phụ thuộc vào các thành viên chủ chốt của doanh nghiệp.
  • Sự tranh chấp cụ thể bắt đầu xuất hiện thậm chí bị đem ra tòa xử lý. 
  • Sự hợp nhất giữa các công ty mới tham gia vào ngành hoặc các đối thủ cạnh tranh. 
  • Sự phụ thuộc vào số ít khách hàng và các nhà cung cấp cũng như các dự án nội bộ của doanh nghiệp.

Tại phần thông tin này, nhà đầu tư phải tìm hiểu xem kế hoạch xử lý của Hội đồng quản trị như thế nào. 

 

Như vậy, bài viết trên đây đã tổng hợp khá đầy đủ những kiến thức về bản bản cáo bạch đến các nhà đầu tư, bao gồm khái niệm, cách tìm bản cáo bạch ở đâu cũng như hướng dẫn chi tiết cách đọc tài liệu quan trọng này. Hy vọng nhà đầu tư đã có được nhiều kiến thức bổ ích thông qua bài viết và áp dụng thật hiệu quả trong giao dịch đầu tư. Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức hữu ích khác về bản cáo bạch niêm yết trái phiếu, cổ phiếu hay những kiến thức về thị trường chứng khoán, hãy tham khảo tại kênh website của Take Profit. Chúc các nhà đầu tư thành công!