Trong phần 1 chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về khái niệm, cách tính toán và ý nghĩa của chỉ số sức mạnh tương đối RSI. Vậy chiến lược giao dịch hiệu quả với RSI là như thế nào? RSI thường được kết hợp với chỉ báo nào để đạt hiệu quả cao hơn và giảm thiểu các tín hiệu nhiễu? Chúng ta cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo này nhé.
Kết hợp chỉ báo RSI với Moving Average
Ở bài viết trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về Moving Average (MA hay đường trung bình động) – 1 chỉ báo cơ bản và phổ biến trong phân tích kĩ thuật. MA tập hợp tất cả các giá trị trung bình của giá cả trên thị trường trong một giai đoạn nhất định tạo thành một đường thẳng giúp làm phẳng các biến động giá. MA giúp chúng ta phân tích những dữ liệu được thống kê trong quá khứ để dự đoán xu hướng giá trong tương lai.
Vậy ý tưởng để kết hợp cả Moving Average với RSI là gì?
Chúng ta sẽ sử dụng đường MA 20 và MA 100 kết hợp với chỉ báo RSI đóng vai trò là bộ lọc tín hiệu.Trước tiên hãy vẽ 1 đường ngang RSI 50 trên biểu đồ để quan sát một cách dễ dàng hơn. Ý tưởng giao dịch như sau:
Mua khi MA 20 cắt lên MA 100 và chỉ báo RSI trên 50.
Bán khi MA 20 cắt xuống MA 100 hoặc khi RSI xuống dưới 30.
=> Trang bị cho nhà đầu tư cả 2 kỹ năng phân tích cơ bản và kỹ năng phân tích kỹ thuật. Đăng ký ngay Khóa Học Miễn Phí tại link: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing
Kết hợp chỉ báo RSI với mô hình nến đảo chiều
Mô hình nến đảo chiều rất hiệu quả và mạnh mẽ, nên khi kết hợp cùng RSI giúp làm tăng hiệu quả giao dịch một cách rõ rệt, giảm tối đa các tín hiệu giả so với khi sử dụng đơn lẻ.
Ý tưởng giao dịch:
Mua khi RSI đi vào vùng quá bán, đồng thời xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng.
Bán khi RSI đi vào vùng quá mua, đồng thời xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm.
Sử dụng phân kỳ RSI trong giao dịch
Phân kỳ RSI là gì? Hiểu một cách đơn giản phân kỳ là sự lệch pha giữa giá và chỉ báo RSI, phân kỳ xảy ra khi đường giá và đường RSI tạo ra 2 hướng trái ngược nhau.
Phân kỳ dương (hay còn gọi là hội tụ) là hiện tượng giá giảm tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, tuy nhiên RSI lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Phân kỳ âm (phân kỳ), ngược lại là hiện tượng giá tăng tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tuy nhiên RSI lại tạo đỉnh sau thấp hơn.
Trong cả hiện tượng phân kỳ và hội tụ đều hàm ý xu hướng hiện tại đang dần suy yếu, tiềm ẩn khả năng đảo chiều xu hướng. Đây là lúc mà 1 trong 2 phe không còn hứng thú đẩy giá tới mức “cùng cực”, nghĩa là khó tạo đỉnh cao hơn, hoặc đáy thấp hơn nữa, giá có thể rơi vào trạng thái bão hòa.
Khi RSI xuất hiện hội tụ, đặc biệt trong trường hợp đáy đầu tiên của RSI nằm sâu trong vùng quá bán và đáy thứ hai đã vượt lên trên, dù giá tạo đáy mới nhưng RSI đã ra khỏi vùng quá bán, tín hiệu sẽ càng đáng tin cậy hơn. Khi đó chúng ta thấy xu hướng giảm nhìn chung đã yếu đi. Tín hiệu xác nhận tạo đáy và có thể mua vào khi giá thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn như hình dưới.
Về mặt nguyên tắc, giao dịch với phân kỳ trên RSI cũng không có nhiều khác biệt. Như ví dụ bên dưới, có 2 tín hiệu phân kỳ xảy ra liên tiếp. Trong tín hiệu phân kỳ thứ nhất, tín hiệu tăng bắt đầu yếu đi, tuy nhiên giá vẫn trụ tốt trên đường xu hướng và do đó, điểm phân kỳ đầu tiên không cần thiết phải bán ra. Từ tín hiệu phân kỳ đầu tiên, giá tiếp tục được kéo thêm một đoạn khá xa. Tuy nhiên trong tín hiệu phân kỳ thứ 2, giá đã phá vỡ đường xu hướng tăng một cách rõ ràng. Với hai tín hiệu phân kỳ liên tiếp và giá gãy trend, tín hiệu bán trở nên rất rõ ràng.
Giao dịch kết hợp RSI Failure Swings
Trong phần ý nghĩa chúng ta cũng đã phân tích, không phải RSI cứ đi vào vùng quá bán là giá sẽ giảm và vào vùng quá mua là giá sẽ tăng. Vì vậy để RSI đạt hiệu quả cao hơn, chúng ta sẽ phải thêm một số điều kiện trong 2 trường hợp sau:
Nếu RSI rơi vào trạng thái quá bán:
RSI rơi vào trạng thái quá bán (dưới 30).
RSI sau đó vượt lên, lao lên phía trên biên 30.
RSI hình thành một đợt giảm giá khác mà không quay trở lại vùng quá bán.
RSI sau đó phá vỡ đỉnh cao nhât gần nó, và lao lên.
=> Tín hiệu hình thành một đợt tăng giá => Điểm mua.
Nếu RSI rơi vào trạng thái quá mua:
RSI rơi vào vùng quá mua (trên 70)
RSI lao xuống và nằm dưới vùng biên 70.
RSI lên lại tạo thành một mức cao khác nhưng không vượt quá được vùng quá mua.
RSI sau đó phá vỡ đáy thấp nhất gần nó và lao xuống.
=> Tín hiệu cho một đợt giảm giá => Điểm bán.
Bạn thường dùng chỉ báo này như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé.