Gần đây khi lãi suất tăng cao, nhiều khách hàng cá nhân có nhu cầu gửi tiền tại các ngân hàng, trong đó gửi tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi là 2 hình thức phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu hết về chúng. Đầu tiên, cả chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm đều là những sản phẩm tài chính được cung cấp và quản lý bởi ngân hàng. Tuy nhiên cả 2 có những đặc điểm khác nhau tương ứng với mục đích khác nhau của người sử dụng. Vậy cụ thể, chứng chỉ tiền gửi khác gì sổ tiết kiệm?
Nói đến gửi tiết kiệm chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã quá quen với hình thức này nên mình sẽ không nhắc lại nữa. Còn với chứng chỉ tiền gửi thì sao?
Chứng chỉ tiền gửi là gì?
- Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit, viết tắt là CDs/ CD) là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa ngân hàng phát hành với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Nói cách khác, chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ có giá được ngân hàng phát hành nhằm mục đích cho phép sử dụng để huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức.
- Thực chất chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
- Lãi suất chứng chỉ tiền gửi (CCTG) thường là lãi suất cố định và trả cuối kỳ, theo đó lãi suất không thay đổi được áp dụng trong suốt thời hạn của chứng chỉ tiền gửi.
- Mục đích phát hành chứng chỉ tiền gửi hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu nguồn vốn dài hạn. Lãi suất cao được các ngân hàng đưa ra nhằm mục đích kích cầu khuyến khích các nhà đầu tư chọn mua CDs thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng.
=> Cung cấp cho học viên một bức tranh toàn cảnh về Thị Trường Chứng Khoán - Trang bị cho nhà đầu tư cả 2 kỹ năng phân tích cơ bản và kỹ năng phân tích kỹ thuật - Đăng ký ngay khóa học miễn phí: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing?source=web
Đặc điểm và lợi ích của chứng chỉ tiền gửi
- Lãi suất hấp dẫn, thường cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm từ 1-2%
- Có tính an toàn và hiệu quả (Chứng chỉ tiền gửi là loại tiền gửi được bảo hiểm theo điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13)
- Có thể tự do chuyển nhượng như mua bán, cho tặng, trao đổi hay thừa kế
- Kỳ hạn dài, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn thường 6 tháng, chứng chỉ tiền gửi dài hạn là 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 60 tháng
- Chứng chỉ tiền gửi không được rút hoặc tất toán trước hạn, hoặc nếu có phải qua nửa kỳ hạn (tùy quy định ngân hàng)
- Mệnh giá mua tối thiểu của chứng chỉ tiền gửi cao hơn số tiền gửi tiết kiệm tối thiểu, thường từ 100 triệu đồng trở lên. Một số ngân hàng phát hành với mệnh giá từ 10 triệu đồng
- Phương thức trả lãi phổ biến là trả lãi cuối kỳ, một số loại trả lãi định kỳ
Ưu và nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi
Ưu điểm
- Tính an toàn và đảm bảo cao, cả gốc và lãi đều được bảo đảm trong toàn bộ thời gian gửi tiền như một hình thức tiết kiệm, được bảo hiểm tiền gửi
- Lãi suất hấp dẫn, thường cao hơn 1-2% so với các tài khoản tiết kiệm thông thường có cùng kỳ hạn
- Có thể chuyển nhượng, cầm cố, cho tặng, trao đổi hay thừa kế
Nhược điểm
- Kỳ hạn dài và một số chứng chỉ tiền gửi không được tất toán trước hạn nên tính thanh khoản thấp hơn so với gửi tiết kiệm
- Mệnh giá mua tối thiểu khá cao, thường là 10 triệu hoặc có thể là 100 triệu
- Không tự động tái tục khi đến hạn
Đặc biệt, người mua nên nắm rõ mức lãi suất cho vay nếu ngân hàng quy định chỉ có thể rút vốn bằng cách cầm cố giấy tờ có giá để vay lại tiền hoặc mức lãi suất thanh toán trước hạn nếu được phép thanh toán trước.
Như vậy, mặc dù là lãi suất của loại chứng chỉ này cao hơn gửi tiết kiệm nhưng tính thanh khoản lại không cao. Vì thế trước khi mua, chúng ta nên cân nhắc trước các rủi ro tài chính đột xuất để không phải gặp khó khăn khi không lấy được tiền mặt.
Nên đầu tư sổ tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi?
Các yếu tố | Gửi tiết kiệm | Chứng chỉ tiền gửi |
---|---|---|
Lãi suất | Tùy từng kỳ hạn và từng ngân hàng, nhưng thường thấp hơn so với chứng chỉ tiền gửi | So với gửi tiết kiệm thì chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn và ổn định hơn, tùy vào kỳ hạn dài hay trung hạn |
Kỳ hạn | Thông thường gửi tiết kiệm có các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng... | Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài hơn; Có thể là 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng hay 84 tháng... tùy từng ngân hàng và đợt phát hành |
Tính thanh khoản | Gửi tiết kiệm có tính thanh khoản cao hơn, do khách hàng có thể rút tiền khi đến hạn hoặc rút trước hạn trong trường hợp cần thiết, tuy nhiên với mức lãi suất không thời hạn thường khá thấp | Theo lý thuyết, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi không được rút trước hạn, nếu có cũng phải chờ sau 1 nửa kỳ hạn (tùy ngân hàng), vậy nên tính thanh khoản sẽ kém hơn so với hình thức gửi tiết kiệm |
Mệnh giá / Số tiền tối thiểu | 500 nghìn - 1 triệu | Thường từ 10 triệu hoặc 100 triệu |
Tái tục | Tự động gửi sang kỳ hạn mới theo kỳ hạn cũ | Không tự động tái tục gốc và lãi |
- Có thể thấy chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm có những ưu cũng như nhược điểm riêng, không thể khẳng định đâu là lựa chọn tốt hơn mà nó phụ thuộc vào nhu cầu cũng như mong muốn của mỗi người.
- Tuy hiện nay, lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm nhưng lại có kỳ hạn dài hơn và thường không được rút vốn trước hạn linh hoạt như sổ tiết kiệm thông thường. Chứng chỉ tiền gửi không được rút hoặc tất toán trước hạn, hoặc nếu có phải qua nửa kỳ hạn (tùy quy định ngân hàng). Vậy nên kênh này sẽ phù hợp hơn với những khách hàng có khoản tài chính nhàn rỗi và tạm thời không dùng đến trong 1 khoảng thời gian cố định.
- Nếu khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi mà cần đến vốn gấp nhưng lại chưa đến kỳ hạn có thể "cầm cố" giấy tờ có giá tại ngân hàng để vay nhưng lãi suất vay sẽ cao hơn lãi suất chứng chỉ tiền gửi mà khách hàng đó mua.
Tóm lại, về bản chất, cả chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm đều là phẩm huy động vốn của các ngân hàng thương mại, có thời hạn và lãi suất cố định. Vì thế, cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa vào mục tiêu và nhu cầu của mình để lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất. Với mình, nếu muốn đầu tư dài hạn với lãi suất cao hơn và cam kết không rút trước hạn thì chứng chỉ tiền gửi là lựa chọn tốt, còn nếu muốn tạo các khoản dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp thì nên chọn gửi tiết kiệm. Còn quan điểm của bạn như thế nào?
Người thực hiện: Hương Lan & Cô Thắm Đầu Tư
=> Xem thêm: Sử dụng Ichimoku hiệu quả - Cách tìm cổ phiếu an toàn trong giai đoạn hiện tại | Đầu tư chứng khoán