Đầu tư chứng khoán đang là một kênh đầu tư hấp dẫn được nhiều đối tượng quan tâm tìm hiểu. Trải qua nhiều năm vận hành và phát triển thì hiện nay, đây đang là kênh đầu tư uy tín được nhà nước chú trọng phát triển và khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Năm 2020 vừa qua, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục, mang lại lợi nhuận cho hàng trăm nghìn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vậy thị trường chứng khoán là gì? Nguyên tắc và chức năng của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế như thế nào? Qua bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu tổng quan về thị trường chứng khoán chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán là gì?
Để hiểu rõ thị trường chứng khoán là gì, ta đi vào tìm hiểu về lịch sử và quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khái niệm thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán là nơi các hoạt động phát hành, giao dịch, mua bán, trao đổi các loại chứng khoán được diễn ra.
Hàng hóa được giao dịch trên thị trường chứng khoán là một loại hàng hóa đặc biệt, đó chính là quyền sở hữu về tư bản. Chứng khoán là sản phẩm tài chính, bao gồm trái phiếu, cổ phiếu, và một số công cụ tài chính trung và dài hạn khác, được phát hành để huy động vốn cho doanh nghiệp và chính phủ. Ở Việt Nam, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chủ yếu giao dịch cổ phiếu.
Như vậy bản chất khái niệm thị trường chứng khoán là nơi giải quyết nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Lịch sử hình thành thị trường chứng khoán
Để tìm hiểu về lịch sử hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng điểm qua các mốc thời gian quan trọng sau đây:
- Ngày 28/11/1996: Uỷ ban chứng khoán nhà nước được thành lập.
- Ngày 11/07/1998: ngày khai sinh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời thành lập trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HOSTC.
- Ngày 28/07/2000: thị trường chứng khoán chính thức hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên với 2 cổ phiếu REE và SAM. Thời điểm này một tuần chỉ có 2 phiên giao dịch.
- Năm 2005: trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD) được thành lập. Cũng trong năm đó, ngày 08/03/2005, khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX).
- Ngày 19/11/2007: thời gian giao dịch trên HNX được mở rộng từ 8h30 đến 11h, thay vì từ 9h đến 11h.
- Ngày 24/06/2009: chính thức vận hành sàn Upcom.
- Ngày 06/02/2012: ra mắt chỉ số VN30.
- Ngày 04/09/2012: thời gian thanh toán được rút ngắn từ T+4 xuống T+3.
- Ngày 15/01/2013: điều chỉnh biên độ giao dịch HOSE +/- 7%, HNX +/- 10%.
- Ngày 22/07/2013: HOSE kéo dài thời gian giao dịch đến 15h.
- Ngày 29/07/2013: HNX kéo dài thời gian giao dịch đến 15h đồng thời bổ sung các loại lệnh mới (ATC, lệnh thị trường).
- Ngày 01/07/2015: Upcom điều chỉnh biên độ giao dịch từ +/- 10% lên +/- 15%.
- Ngày 01/01/2016: rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2.
- Ngày 01/07/2016: các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán hoạt động dựa theo các nguyên tắc:
- Chỉ mua chứng khoán khi được sự bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký
- Các giao dịch mua bán đảm bảo hoàn thành trong ngày
- Giao dịch mua/bán cổ phiếu quỹ tuân theo quy định quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý
- Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi xuất hiện đến nay đã trải qua quá trình liên tục cải tiến và phát triển để hoạt động diễn ra hiệu quả nhất. Xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn dài hạn của nền kinh tế, chức năng của thị trường chứng khoán là nhằm huy động vốn của toàn xã hội phục vụ các mục tiêu kinh tế.
- Sự ra đời của thị trường chứng khoán đã giải quyết vấn đề phân bổ nguồn vốn không hiệu quả khi hệ thống ngân hàng là nơi duy nhất cung cấp vốn cho nhu cầu của xã hội.
Quy mô của thị trường chứng khoán
- Xét về quy mô thị trường chứng khoán thế giới, tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng từ 2,5 nghìn tỷ USD (1980) đến mức 70,75 nghìn tỷ USD (cuối năm 2019). Trên toàn thế giới có khoảng 60 sàn giao dịch chứng khoán. Trong số đó, khoảng 16 sàn giao dịch chứng khoán có mức vốn hóa thị trường rất cao, đạt mức 1 nghìn tỷ đô la Mỹ trở lên, chiếm 87% vốn hóa thị trường toàn thế giới.
- Mỹ là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới với tổng vốn hóa chiếm gần một nửa tổng vốn hóa toàn cầu. Đối với quy mô thị trường chứng khoán Mỹ, hiện nay ở Mỹ thống kê có xấp xỉ 50% người dân Mỹ là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Mỹ là nơi có khối lượng giao dịch chứng khoán hàng ngày lớn nhất thế giới, với tổng giá trị lên tới 33 nghìn tỷ USD, theo số liệu năm 2018 Ngân hàng thế giới. Thị phần chứng khoán Mỹ cũng luôn dẫn đầu toàn thế giới trong nhiều năm liền.
- Riêng với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện nay có khoảng 70 công ty chứng khoán làm hoạt động môi giới. Hiện tại Việt Nam có khoảng 1500 mã cổ phiếu được niêm yết. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh, nhiều kỷ lục được xác lập trong năm 2020. Thị trường ghi nhận những sự tăng trưởng mạnh mẽ của số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như dòng tiền đầu tư vào thị trường.
=> Đăng ký sử dụng ngay Bộ Công Cụ Hỗ Trợ Đầu Tư toàn diện có đầy đủ công cụ đánh giá Toàn Cảnh Thị Trường, Phân Tích Vĩ Mô, Phân Tích Ngành, Phân Tích Cổ Phiếu và Gợi Ý Cơ Hội Đầu Tư. Đăng ký trực tiếp tại đường Link: https://techprofit.vn/cong-cu-ho-tro-dau-tu
Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán
- Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán bao gồm những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, các nhà đầu tư tổ chức (như các công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ, quỹ chỉ số, quỹ hưu trí, quỹ giao dịch, quỹ phòng hộ, các ngân hàng, các nhóm nhà đầu tư, các định chế tài chính khác), kể cả các công ty đại chúng đang giao dịch mua bán cổ phiếu của chính họ phát hành. Ngoài ra các nhà trung gian môi giới, những người tự động hóa các khoản đầu tư cho các cá nhân cũng là một trong số các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán đáng kể.
- Các nhà phát hành: Các doanh nghiệp, hay Chính phủ và các chính quyền địa phương chính là chủ thể phát hành chứng khoán để giao dịch trên thị trường. Mục tiêu của các nhà phát hành khi tham gia thị trường này là huy động nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc thực hiện các công trình lớn. Họ gọi vốn bằng việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Các tổ chức phát hành hoạt động tốt và có danh tiếng sẽ được nhà đầu tư chọn mua cổ phiếu. Những tổ chức vận hành không tốt và chưa có danh tiếng sẽ khó khăn hơn trong quá trình bán cổ phiếu.
- Các nhà đầu tư: Nhà đầu tư chính là những người cung cấp vốn cho thị trường chứng khoán. Mục tiêu của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. Có 3 dạng nhà đầu tư mà bạn cần biết: nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư cá nhân chiếm số đông trên thị trường, với số vốn nhỏ họ có ưu thế dễ dàng xoay chuyển tình hình và quyền tự chủ trong quyết định đầu tư. Nhà đầu tư tổ chức lại có lợi thế về thông tin, tiềm lực tài chính và chiến lược đầu tư dài hạn hơn từ đó có khả năng dẫn dắt thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng tại thị trường Việt Nam với nguồn lực tài chính dồi dào và kinh nghiệm dày dặn nhờ đó tạo sức hút cho bất cứ loại cổ phiếu nào họ lựa chọn đầu tư.
- Các công ty chứng khoán: Những công ty chứng khoán hay người môi giới trung gian đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Họ thực hiện nhiệm vụ trung gian, môi giới mua-bán chứng khoán như một định chế tài chính trên thị trường. Ngoài ra các công ty chứng khoán cũng tư vấn và cung cấp một số dịch vụ khác hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
- Cơ quan quản lý: Cơ quan quản lý là chủ thể đảm bảo cho thị trường hoạt động theo đúng quy định nhà nước. Tại Việt Nam, Bộ Tài chính là cấp cao nhất trong cơ cấu các cơ quan quản lý. Dưới đó là Uỷ ban chứng khoán nhà nước và cuối cùng là 2 cơ quan chuyên môn gồm: Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu lý chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán là nơi vận hành trực tiếp của các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Trung tâm lưu lý chứng khoán sẽ thực hiện chức năng thanh toán, đăng ký và lưu ký chứng khoán.
Cấu trúc thị trường chứng khoán
Có nhiều loại cấu trúc thị trường chứng khoán khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư. Cùng tìm hiểu về cơ cấu thị trường chứng khoán qua một số cách phân loại thông thường dưới đây:
Căn cứ vào phương thức giao dịch
- Thị trường giao dịch tập trung: chính là Sở giao dịch chứng khoán, nơi người mua và người bán (hoặc môi giới của họ) gặp trực tiếp để giao dịch chứng khoán.
- Thị trường phi tập trung: Thị trường OTC - thị trường của các nhà buôn, những người sở hữu một danh mục chứng khoán và họ sẵn sàng mua và bán với các nhà buôn khác khi giá cả được đồng thuận. Thị trường OTC không có trụ sở giao dịch chính thức mà giao dịch được diễn ra tại các sàn giao dịch của các thành viên trên thị trường bằng cách gọi điện thoại hay qua mạng máy tính với diện rộng. So với Sở giao dịch thì khối lượng giao dịch của thị trường OTC thường lớn hơn nhiều lần.
Căn cứ vào hàng hóa trên thị trường
- Thị trường cổ phiếu: Nơi giao dịch các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.
- Thị trường trái phiếu: Nơi giao dịch các loại trái phiếu đã phát hành, bao gồm trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị, và trái phiếu chính phủ.
- Thị trường chứng khoán phái sinh: Nơi phát hành và mua bán nhiều lần các chứng từ tài chính khác như: chứng quyền, hợp đồng quyền chọn, quyền mua cổ phiếu.
Căn cứ vào sự lưu chuyển vốn
- Thị trường sơ cấp: được coi là nơi duy nhất mà chứng khoán đem lại nguồn vốn trực tiếp cho nhà phát hành chứng khoán. Nhà phát hành chứng khoán cũng chính là người có quyền quyết định mức giá chứng khoán để giao dịch trên thị trường sơ cấp. Người bán trên thị trường sơ cấp thông thường sẽ là ngân hàng nhà nước, kho bạc, công ty phát hành, hoặc các tập đoàn bảo lãnh phát hành,...
- Thị trường thứ cấp: là nơi tự do mua bán chứng khoán nhiều lần với các mức giá khác nhau sau khi mua ở thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp không trực tiếp đem lại nguồn vốn cho nhà phát hành.
- Việc nắm được các cấu trúc thị trường chứng khoán phổ biến trên đây sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng phân loại thị trường chứng khoán và xác định thị trường một cách tốt nhất cho các giao dịch của mình.
Vai trò của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó, 3 chủ thể: doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính phủ là những chủ thể nhận được nhiều giá trị nhất từ thị trường chứng khoán. Dưới đây là những vai trò của thị trường chứng khoán đối với từng chủ thể tham gia thị trường.
- Đối với chính phủ
Thông qua thị trường chứng khoán, Chính phủ dễ dàng huy động được nguồn vốn để đầu tư vào các dự án của nhà nước bằng cách bán trái phiếu. Các doanh nghiệp nhà nước cũng nhờ sự thúc đẩy của thị trường chứng khoán mà quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán giúp chính phủ triển khai các chính sách tiền tệ hiệu quả hơn thông qua việc giao dịch mua bán trái phiếu từ đó giúp điều chỉnh sự tăng giảm của lãi suất thị trường. Và vai trò quan trọng cuối cùng, đó là nhờ thị trường chứng khoán mà chính phủ có thể bán cổ phiếu ra nước ngoài và thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam
- Đối với doanh nghiệp
Sự ra đời của thị trường chứng khoán được xem như giải pháp giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn kinh doanh hiệu quả thông qua việc bán cổ phiếu hoặc trái phiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường. Giải pháp này giúp doanh nghiệp không những tạo được tính thanh khoản cao mà còn giảm bớt được việc vay vốn lãi cao từ ngân hàng. Chỉ số giá chứng khoán trên thị trường còn giúp phản ánh được chính xác và tổng quát nhất các giá trị cả vô hình và hữu hình về doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thị trường chứng khoán đóng vai trò giúp doanh nghiệp được công chúng biết đến một cách rộng rãi mà không mất nhiều chi phí, lại hiệu quả và dễ dàng. Qua đó hình thành và phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng hiệu quả sử dụng vốn và tạo điều kiện thuận lợi áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
- Đối với nhà đầu tư
Riêng với nhà đầu tư, thị trường chứng khoán đem đến một kênh đầu tư đa dạng và ít rủi ro. Nhà đầu tư không khó để tìm được cho mình một doanh nghiệp phù hợp để đầu tư sinh lời.
Chức năng của thị trường chứng khoán
- Thị trường chứng khoán đóng góp nhiều vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới. Một số chức năng của thị trường chứng khoán chính và quan trọng nhất đó là:
- Kênh tiếp cận vốn hiệu quả cho nền kinh tế: Số tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư khi họ dùng để mua chứng khoán do các công ty phát hành, sẽ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội. Thông qua vai trò hỗ trợ các hoạt động đầu tư của công ty, thị trường chứng khoán đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thông qua thị trường chứng khoán, các chính phủ và các chính quyền ở địa phương cũng huy động được các nguồn vốn phục vụ các nhu cầu chung của xã hội cũng như đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế.
- Là kênh đầu tư sinh lợi tiềm năng cho dân chúng, bên cạnh các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, gửi ngân hàng,...Thị trường chứng khoán đem đến cho người dân một môi trường đầu tư sinh lợi lành mạnh với cơ hội chia sẻ lợi nhuận từ các công ty đại chúng. Các loại chứng khoán rất đa dạng về tính chất, thời hạn cũng như độ rủi ro. Điều đó giúp cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng lựa chọn loại chứng khoán phù hợp với khả năng, mục tiêu của mình. Do đó, một trong số các chức năng của thị trường chứng khoán đó là làm tăng mức tiết kiệm quốc gia.
- Tạo tính thanh khoản cho các loại chứng khoán: Việc tham gia thị trường chứng khoán giúp các nhà đầu tư chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác. Tính thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) là một trong những đặc tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Điều đó cho thấy sự an toàn và tính linh hoạt của vốn đầu tư. Tính thanh khoản sẽ có khả năng nâng cao nếu thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả và năng động hơn.
- Giúp minh bạch hóa và đồng thời phát triển doanh nghiệp: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được phản ánh một cách minh bạch và chính xác thông qua giá chứng khoán. Từ đó thuận tiện và nhanh chóng hơn cho nhà đầu tư trong việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp. Sự minh bạch và công khai đồng thời cũng giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải tiến sản phẩm cũng như cập nhật công nghệ mới.
- Giúp chính phủ ra những quyết sách vĩ mô: Các chỉ báo của thị trường chứng khoán phản ánh tình hình phát triển của nền kinh tế một cách chính xác và nhanh nhạy. Khi giá các chứng khoán tăng lên có nghĩa đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế đang tăng trưởng. Ngược lại, khi giá chứng khoán giảm có nghĩa nền kinh tế đang có xu hướng đi xuống. Do đó, thị trường chứng khoán được coi như công cụ quan trọng giúp chính phủ đưa ra và thực hiện những quyết sách vĩ mô. Thông qua chức năng của thị trường chứng khoán, chính phủ có thể tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và kiểm soát lạm phát nhờ vào việc mua và bán trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể tác động vào thị trường chứng khoán để cân đối sự phát triển của nền kinh tế.
=> Tối ưu hoá lợi nhuận trong giao dịch cùng giải pháp Tư Vấn & Khuyến Nghị của Take Profit -Đón đầu những cơ hội tốt nhất với tính an toàn cao trên thị trường. Đăng ký ngay tại: https://takeprofit.vn/tu-van-khuyen-nghi
Phân loại thị trường chứng khoán
Có nhiều cách phân loại thị trường chứng khoán, sau đây là cách phân loại thị trường chứng khoán phổ biến nhất, chia thị trường chứng khoán thành 2 loại chính: thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
Thị trường chứng khoán sơ cấp là gì?
- Thị trường sơ cấp là nơi cổ phiếu lần đầu tiên được phát hành từ công ty để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ thị trường chứng khoán. Người mua trên thị trường sơ cấp đa phần là các tổ chức lớn hay quỹ đầu tư.
- Thị trường sơ cấp không hoạt động liên tục mà chỉ hoạt động khi doanh nghiệp cần huy động vốn.
- Ví dụ về thị trường sơ cấp: các đợt IPO, phát hành ra công chúng lần đầu, các đợt phát hành chứng khoán riêng lẻ.
Thị trường chứng khoán thứ cấp là gì?
- Thị trường thứ cấp là nơi các cổ phiếu được mua bán lại sau khi phát hành trên thị trường sơ cấp. Người mua tại thị trường sơ cấp sẽ tiến hành mua bán lại với các nhà đầu tư khác trên thị trường. Đây là quá trình chuyển đổi quyền sở hữu chứng khoán giữa các nhà đầu tư. Khi người mới tham gia vào thị trường chứng khoán và đặt lệnh giao dịch thì đó chính là thị trường thứ cấp.
- Thời gian hoạt động của thị trường thứ cấp là vào các ngày làm việc trong tuần.
Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán
Theo Luật chứng khoán, Nhà nước đưa ra các nguyên tắc thị trường chứng khoán sau đây:
- Hoạt động dựa trên sự tôn trọng quyền sở hữu và các quyền lợi khác của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán đối với tài sản trong thị trường. Tôn trọng quyền tự do mua bán, giao dịch, đầu tư, cung cấp dịch vụ và kinh doanh của các tổ chức, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
- Nguyên tắc công khai, minh bạch, và công bằng đối với mọi hoạt động trên thị trường chứng khoán. Các công ty niêm yết công khai các thông tin tài chính định kỳ hàng năm của công ty, các sự kiện bất thường xảy ra đối với công ty. Sở giao dịch chứng khoán công bố mọi thông tin về giao dịch chứng khoán trên thị trường.
- Nguyên tắc mua bán qua trung gian: Các nhà môi giới đóng vai trò thông qua toàn bộ hoạt động giao dịch mua bán trên thị trường chứng khoán. Nhà môi giới thực hiện lệnh giao dịch theo yêu cầu của khách hàng và được nhận hoa hồng theo quy định hoặc theo thỏa thuận tùy thuộc vào từng hình thức mua bán.
- Nguyên tắc đấu giá: Thông qua việc đấu giá giữa các lệnh mua và lệnh bán thì giá của chứng khoán sẽ được xác định. Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán đều không có quyền can thiệp vào việc định giá này. Có 2 hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp và đấu giá tự động. Đấu giá trực tiếp là việc các nhà môi giới gặp nhau tại sàn giao dịch và trực tiếp đấu giá. Đấu giá tự động là việc các nhà môi giới tạo các lệnh giao dịch và được nhập vào hệ thống máy chủ của Sở giao dịch chứng khoán. Hệ thống này sẽ tự động xác định mức giá phù hợp đảm bảo chứng khoán giao dịch với khối lượng lớn nhất.
Thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoạt động được hơn 20 năm, trải qua nhiều biến động đã ngày càng hoàn thiện cấu trúc cũng như phát triển mạnh mẽ quy mô. tuy nhiên so với lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ 100 năm hay các thị trường Hongkong,...thì thị trường của chúng ta vẫn còn non trẻ. Thực trạng hàng hóa giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự phong phú. Với các nhà đầu tư cá nhân thì cổ phiếu là loại chứng khoán được giao dịch chủ yếu.
Mặc dù vậy thị trường chứng khoán luôn nhận được sự chú trọng đầu tư của nhà nước, áp dụng các phương pháp khắc phục cũng như ngày càng cải tiến để nâng cao hiệu quả của thị trường. Có thể thấy số lượng nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia thị trường chứng khoán đã không ngừng tăng đột phá trong những năm qua. Một phần quan trọng nhờ vào sự khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi của nhà nước.
Nhà nước cũng đã có những chính sách xây dựng và thực hiện nhằm quản lý, giám sát đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán diễn ra hiệu quả hơn. Đồng thời liên tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành chứng khoán. Kiến thức về chứng khoán cũng như thị trường chứng khoán cũng ngày càng được tuyên truyền, phổ cập mạnh mẽ đến công chúng.
Với vị thế thị trường cận biên và triển vọng được nâng lên hạng thị trường mới nổi trước năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển trên cơ sở thu hút cả dòng vốn nội địa và nước ngoài.
Hy vọng với những nền tảng có nhiều điểm tích cực và triển vọng này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Như vậy, qua bài viết trên, chúng tôi đã tổng hợp và làm rõ các nội dung thị trường chứng khoán là gì, vai trò, cấu trúc và các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. Bài viết được thiết kế và sắp xếp những kiến thức căn bản và quan trọng nhất để trang bị cho nhà đầu tư mới cũng như đã có kinh nghiệm trên thị trường. Hy vọng bạn đọc sẽ hiểu được sâu sắc về thị trường chứng khoán cũng như nguyên tắc khi tham gia thị trường để từ đó có những giao dịch hiệu quả và thành công trên thị trường tài chính.
=> Xem thêm: Thị trường chứng khoán là gì? Tìm hiểu về thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào