Trong hành trình đầu tư của mình, 2022 là một năm quá khốc liệt nhưng cuối cùng vẫn phải thốt lên rằng MMs (market markers) đánh hay quá. Trước Tết, sau Tết và những ngày đầu tháng 2 với những cảnh báo liên tục về việc thị trường chỉnh sâu thì mấy nay đã diễn ra. Nên bài viết này không phải để thể hiện cái tôi hay chứng minh đúng sai. Mà là để bạn và mình cùng nhìn lại, rồi chuẩn bị cho cơn bão (hoặc con sóng thần) đang tới.

Dưới góc nhìn là 1 nhà đầu tư. Mình chọn thời điểm khi thị trường và cổ phiếu đang xuất hiện phiên tăng xanh “mạnh” hôm nay (ngày 15/02/2023) để tâm sự với anh chị em về việc tại sao cá nhân mình cho rằng thị trường sẽ còn tiếp tục giảm, thậm chí sập sâu như tiêu đề. 

Dấu hiệu của một nhịp điều chỉnh lớn

  • Nhìn lại 2022, chúng ta chứng kiến 2 nhịp giảm sâu, bắt đầu từ giữa tháng 4/2022 là 1500 về 1160 và từ cuối tháng 8 là 1300 về 873 – cái đáy mà số đông ít ai nghĩ đến trên thị trường tăng điểm nhất nhì thế giới chỉ vài tháng về trước.
  • Hãy khoan nói đến các nhịp hồi vì tất cả đều đang nằm trong 1 xu hướng giảm lớn nếu bạn kẻ trendline nối đỉnh của 2 cú giảm khiếp hồn cuốn theo bao nhà cửa xe cộ bên trên. Phân tích kỹ thuật – ai cũng biết.
  • Lần đầu tiên Index vượt qua được trendline này là giai đoạn đầu tháng 1/2023, khi 2022 đã qua đi và người người nhà nhà bắt đầu hy vọng vào 1 năm mới thuận lợi. 
  • Nhưng anh chị em biết gì không? Kỳ nghỉ Tết âm lịch đang đến gần. Sau khoảng 10 phiên tích lũy với biên hẹp vùng 1045 – 1065đ, Index bắt đầu bứt khỏi nền tích lũy, nhanh chóng vượt cản chéo với thanh khoản thấp trong chỉ vỏn vẹn vài phiên. Mình và bạn tạm chấp nhận sự bứt phá “không bền” này với lý do sát Tết âm thị trường kém sôi động và có thể tăng trong nghi ngờ. Thà mua sai thì cắt còn hơn để lỡ chuyến tàu “giàu sang”.
  • Đúng, thị trường tăng thật. Nhưng hiện tại chỉ sau vài phiên Index cũng nhanh chóng giảm trở lại và xuyên thủng vùng tích lũy trên 1 cách nhẹ nhàng, khác với số đông kỳ vọng đây là vùng hỗ trợ “rất cứng” và “khó mà xuyên thủng”.
  • Phù thịnh không phù suy, giảm mạnh dẫn đến thua lỗ là điều không ai mong muốn. Nhưng nếu nhịp giảm hiện tại tiếp diễn và kéo dài, khả năng trong chưa đầy 1 năm dương lịch chúng ta sẽ chứng kiến 3 cú sập lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. 
  • Vì vậy mình viết bài để cảnh báo anh chị em cẩn trọng với cú sập thứ 3 này. Cú sập cắt tiết gà và tạo sự tuyệt vọng.

Nhìn nhận lại quá khứ và bài học vẫn còn nguyên vẹn

Quay trở lại xa hơn vào tháng 4/2022. Ngay trước khi đổ đèo Index có nhịp tăng tốt từ 1437 lên 1530. Biên độ tăng ~100 điểm là rất hấp dẫn và khiến phần đông nhà đầu tư bỏ lỡ phải tiếc nuối. Tiếc nuối thì thường dẫn đến vội vàng mua đuổi. Nếu bạn là MMs, bạn sẽ làm gì Để phân phối được thật nhiều hàng ở vùng giá cao? Giờ khi tất cả rõ ràng, nhìn lại chúng ta mới nhận ra là nhịp Bulltrap cực mạnh. Nhóm ngành BĐS lên cơn điên thể hiện ngay qua việc đám đông hò dô kéo pháo. Rằng 1 cổ phiếu phải có giá tiền triệu. Rằng Index không sớm thì muộn sẽ lên 1700-1800 và nếu bạn không mua cổ phiếu ngay bây giờ thì bạn là 1 LOSER!

 

Quay trở lại gần hơn vào tháng 8/2022, 1 nhịp hồi kéo dài 2 tháng đưa Index trở về sát vùng đỉnh cũ gần nhất ở 1300đ – điều mà ai cũng đang chờ đợi. Nhưng tiếc là chưa chạm được đến mục tiêu ấy thì chỉ số lại tiếp tục đổ đèo và bắt đầu cho 1 nhịp giảm thảm khốc tiếp theo. Nếu bạn là MMs, bạn sẽ làm gì để phân phối tiếp? bạn có chờ giá hồi lại đỉnh cũ để đám đông bán vào đầu mình không?

Quay trở lại gần hơn nữa chính là giai đoạn hiện tại mà mình đang đề cập là cú sập 3. Thực chất thị trường đã có dấu hiệu chỉnh sâu từ trước kỳ nghỉ Tết và đó là thời điểm mình lên ý tưởng cho bài viết này. Kéo thốc vượt 1100 rồi mới đổ đèo. Diễn biến mà mình hay bảo với anh chị em rằng “thị trường thật độc ác” …

Vì sao? Năm Nhâm Dần nhưng Dần không bứt phá. 2022 sắp qua đi với 2 nhịp giảm không thể nào quên. Thị trường tặng quà cho những ai kiên trì “ngồi chiếu cuối” ở những ngày sát kỳ nghỉ lễ và cả chiếc lì xì xanh mạnh vào ngày 27/1 - phiên giao dịch đầu tiên của năm Quý Mão - phiên giao dịch mà mình quyết định BÁN TOÀN BỘ DANH MỤC của mình. Giờ thì bạn bắt đầu nghĩ đến “thao túng tâm lý” – cụm từ Hot Trend của 2022 được rồi.

 

Quay trở lại những ngày trước Tết Nguyên Đán, nếu bạn là MMs, bạn sẽ làm gì để kích hoạt sự FOMO rồi lại vắt kiệt hy vọng của số đông đu bám? Nói thêm về quá khứ. 1 vài điều mình trăn trở trước đây nay cũng tiện kể anh chị em nghe bởi chính mình cũng đang muốn nghe thêm từ anh chị em những góc nhìn khác. Rằng tại sao thời kỳ Covid, rất nhiều doanh nghiệp lao đao, cắt giảm quy mô, nhân sự rồi sa thải mà 1 trong những đại gia ngành thép, 1 trong những đầu tàu của thị trường là bác Long HPG lại không tiến hành M&A. Thương trường khốc liệt. Bối cảnh chung chưa cho phép làm cái bánh to hơn thì để gia tăng thị phần, bạn phải ăn phần bánh của những người còn lại. Tạm chưa nói đến vấn đề đạo đức.

 

Giờ thì mình có câu trả lời. Đó là vì ban lãnh đạo đã nhìn được trước rủi ro suy thoái. Lèo lái 1 đế chế để vươn tới đỉnh cao ngày hôm nay chắc hẳn không xa lạ gì với những sóng gió của nền kinh tế và thị trường. 1 điều mình thích ở HPG đó là họp cổ đông bác Long rất thẳng thắn chia sẻ, rằng “quý vị sẽ còn chứng kiến thị trường thép sẽ còn khó khăn hơn nữa, thể hiện ngay ở KQKD của Hòa Phát ở các quý sau. Và nếu thị trường sụp đổ, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng.” Có nhiều doanh nghiệp ngoài KQKD thì chúng ta còn đi cùng họ vì cả cái TÂM và cái TẦM là vì vậy.

Sắp tới mình sẽ không quá ngạc nhiên nếu xuất hiện nhiều thương vụ M&A ở nhiều nhóm ngành. Suy thoái chỉ là trì hoãn đến bao giờ. Giới tư bản giàu lên sau mỗi cuộc Đại Suy Thoái. Sắp đến mùa họp cổ đông. Bạn có thể đi họp để biết sơ bộ được “thuyền trưởng” và đám đông trên con tàu mình sẽ đi thế nào, tương lai của doanh nghiệp sẽ ra sao. Phần còn lại sẽ thể hiện qua BCTC.

 

=> Đăng ký khóa học phân tích cơ bản Let Profit Run - làm chủ các cơ hội đầu tư, thấu hiểu doanh nghiệp, biến thông tin thành lợi nhuận: https://takeprofit.vn/khoa-hoc/let-profit-run?source=web

Đánh giá hiện tại và chuẩn bị hành động trong tương lai

Thị trường chứng khoán Việt Nam áp đảo bởi nhà đầu tư cá nhân chiếm đến hơn 90% số lượng tài khoản trên thị trường. Nhưng điều trái ngược đây là nhóm thường xuyên tổn thương, thua lỗ và … nhanh quên. Vì sao? Tâm lý nhà đầu tư cá nhân luôn rất mong manh, chỉ 1 phiên tăng mạnh / giảm sâu là đưa ra hành động rối loạn. Mình nói vậy bởi sắp tới là thời điểm rõ ràng nhất để thấy đám đông điên rồ như thế nào.

Các phiên vừa qua nhiều đội nhóm chúc mừng nhau khi mua được những nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Nên nhớ đây là những tín hiệu cho việc cắt tiết gà để chuẩn bị quá trình cưa chân bàn ở giai đoạn sau đó. Phiên nay và mai, số đông đội nhóm, nhà đầu tư đang tìm những cổ phiếu xanh/tăng tốt hơn thị trường. Và đó là điều mà MMs mong muốn. Mọi sự FOMO trong giai đoạn hiện tại khả năng cao sẽ phải trả giá bằng tiền và sự chán nản khi hàng về - một thực tế đã đang và đã diễn ra từ đầu năm, khi các vùng giá mà mọi người thấy trên đồ thị phân tích kỹ thuật đều lần lượt bị phá vỡ. Cảm giác này có quen thuộc không?

Vậy HÀNH ĐỘNG thế nào? Lý thuyết giỏi đến đâu mà không hành động, chúng ta mãi chỉ dừng lại là những người “nghiên cứu”. Về KỸ THUẬT. Tôi nói về kỹ thuật trước vì mọi người thường cho rằng giá phản ánh trước KQKD. Anh chị em đầu tư kỹ thuật thấy Volume cạn tại hỗ trợ. Bắt đầu mua được rồi. Nhưng anh chị em biết lý do vì sao Volume cạn không? 

 

Theo mình thì có 3 lý do: 1 là đầu tư trung dài tiền lớn chưa tham gia nên cầu yếu. 2 là đầu cơ hàng đã về đâu. Trường hợp thứ 3 là vẫn luẩn quẩn câu chuyện hy vọng nên vẫn cứ chờ, còn nếu không thì là vô trách nghiệm với chính tài sản của mình bằng cách “giảm thì thôi cứ tạm thời vứt đó”. Cầu yếu và cung chưa ra tạo thành những phiên tăng giảm với biên lớn nhưng thanh khoản teo tóp như các bạn chứng kiến.

 

Về CƠ BẢN. Các bạn sẽ thấy sự hồi phục về P/E của VN-Index và nhiều cổ phiếu sau giai đoạn chỉ số này tụt về rất thấp thậm chí dưới 10 vào cuối năm ngoái. Trong bối cảnh EPS suy giảm, nhưng P vẫn tăng, sẽ nhanh chóng khiến P/E tạo thành đường cong đi lên. Chu kỳ kinh doanh và đỉnh lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đã qua đi thì ai cũng biết (hoặc từng nghe rồi). Điều gì sẽ xảy ra trong các Tháng tới, Quý tới khi lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục suy giảm? thậm chí giá hàng hóa nguyên vật liệu đang tăng trở lại tưởng là điều tốt nhưng thực tế lại khiến Biên Lợi Nhuận Gộp bị bào mòn. Giá sẽ đi tìm lại điểm cân bằng anh chị em ạ. Doanh nghiệp càng tăng trưởng, P/E lại càng cao và giá càng tăng là vì vậy. Còn khi doanh nghiệp thua lỗ, còn E đâu mà để bạn tính toán?

  • Nếu bạn là fan của Wyckoff, bạn không còn xa lạ gì với Upthrust và Spring. 
  • Nếu bạn là fan của Mark Minervini, bạn không còn xa lạ gì với SEPA và xu hướng.
  • Nếu bạn là fan của Dan Zanger, bạn không xa lạ gì với các mẫu hình Vai Đầu Vai, phân phối 2 Đỉnh.
  • Nếu bạn là fan phong trào của thị trường, bạn không xa lạ gì với 2 từ “đua lệnh” những ngày này.

 

Tất nhiên câu chuyện Index rơi về bao nhiêu sẽ còn phụ thuộc vĩ mô, sức khỏe của nền kinh tế và EPS của doanh nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên tổng kết tất cả những gì đã đề cập trên. Mình kỳ vọng VN-Index sẽ sập sâu THỦNG ĐÁY CŨ 873 vì thị trường tạo nên bởi số đông luôn điên cuồng và phản ứng thái quá. 

 

Một lý do để hợp lý hóa cho việc đạp sâu đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thậm chí khủng hoảng hay không thì mình tin sẽ có 1 Thiên Nga Đen nào đó diễn ra để làm bàn đạp cho việc thị trường sập. THỦNG ĐÁY là điều mình vừa muốn và vừa không muốn. Không muốn vì nếu thủng thật thì thảm khốc quá, và muốn vì 1 chu kỳ mới cùng con sóng lớn sẽ tới nhanh hơn.

 

Cuộc sống này thú vị bởi nó bất ngờ. Tại sao Covid? Tại sao Brexit? Tại sao Nga – Ukraine lại oánh nhau? Tạo sao tại sao tại sao?

 

Thời điểm Index giảm về dưới 1000 điểm hoặc gần về đáy thôi, các bạn sẽ thấy tin tức tiêu cực ngập tràn thị trường. Đó là điều truyền thông và MMs mong muốn. Có thể là 1 vài tháng, nhưng cú sập cũng có thể sẽ đến rất nhanh. Vì khó khăn thường dồn dập 1 lúc. Chứ không phải “khó khăn ơi đến và xếp hàng lần lượt để tôi xử lý” đâu anh chị em ạ.

Đánh giá và chia sẻ về thị trường chứng khoán năm 2023

QUÁ TAM BA BẬN. TRÈO CAO NGÃ ĐAU. Tây hay Ta, đôi khi những gì cơ bản nhất lại là những thứ đáng nhớ và tồn tại sau cùng. Thị trường chứng khoán 2023 chưa chắc khốc liệt ở mặt điểm số, nhưng sẽ khốc liệt ở cách tăng/giảm. Sẽ có lúc đám đông hoảng loạn bán tháo là chính xác. Nhưng chính xác ở đây chỉ trong trường hợp bán sớm mà thôi. Đầu 2022 tính đến giờ, ai bán rồi đều là những người đúng. Đầu 2023 tính đến giờ, ai bán sớm đều chưa sai. Sai mãi rồi cũng đúng. Đúng mãi rồi cũng sai. Vì trong đầu tư làm gì có Chén Thánh.

 

2018 do mình tránh được cú sập, đứng ngoài thị trường nên bài học không nhiều. Thành ra 2022 mình cũng trả giá. Càng nhiều kinh nghiệm càng thận trọng. Mình tin anh chị em nào đã trải qua những cú sập sâu của thị trường sẽ hiểu Mr Market và mình đang muốn nói điều gì. Mất tiền cần phải mua lại được kinh nghiệm. Mất tiền mà không có gì thì hỏng rồi. Chúng ta mất 10 năm từ 2008 đến 2018 để có 1 con sóng thần. Nhưng con sóng thứ 2 chỉ mất 4 năm từ 2018 đến 2022 với Covid là chất xúc tác. Tức là thời gian đã rút ngắn gấp 2,5 lần. Vậy con sóng tiếp theo bao giờ sẽ bắt đầu và điều gì đang chờ phía trước?

 

Chứng khoán thường đi trước nền kinh tế. Khủng hoảng giống như cơn đau đẻ. Chúng ta chỉ đang cố gắng trì hoãn cho 1 cơn đau đẻ đang đến ngày một gần hơn. Dù là cơn bão, con sóng thần hay cơn đau đẻ sắp đến thì anh chị em có chuẩn bị cho đứa con của mình từ bây giờ hay không là tùy mỗi người quyết định. Và trước khi hành động hãy thử hỏi mình rằng:

Rằng đích đến của các bạn là gì? Lợi nhuận, kiến thức, tồn tại bền vững trên thị trường hay hạnh phúc trong công việc, đầu tư và cuộc sống?

Về phía mình, 2022 trải qua nhiều đêm mất ngủ. Để 2023 giữa đêm bật dậy ngồi làm. 

Chúc anh chị em bình tĩnh & đầu tư thành công!

-------

Người thực hiện: Vương Nam

 

=> Xem thêm: Thị trường năm 2023 liệu có còn 1 cú sập nữa hay không? Độ sâu sẽ là bao nhiêu | Suy thoái kinh tế