Thời gian gần đây, sự trỗi dậy của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đã đưa Vn-Index hồi phục mạnh kể từ khi thiết lập đáy vào ngày 16/11. Tháng 11 cũng đánh dấu mức gom ròng kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây, cụ thể khối ngoại đã mua ròng 16.000 tỷ đồng gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dòng tiền khối ngoại phần nào kích hoạt tâm lý nhà đầu tư trong nước giúp cho thanh khoản thị trường cải thiện mạnh so với thời gian trước đó. Nhờ dòng vốn này mà thị trường được “giải cứu” khỏi một trong những đợt giải chấp chéo lớn nhất từ trước tới nay. Vậy khối ngoại là gì? Và có tác động lên thị trường như thế nào?
Khối ngoại là gì?
Khối ngoại là thuật ngữ dùng để chỉ các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài. Đó có thể là tổ chức hay cá nhân, tiến hành đăng ký mở tài khoản chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Hoặc phổ biến hơn là các quỹ đầu tư có nguồn vốn dồi dào, nắm giữ cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài khi giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam sẽ được thống kê số liệu theo quy định riêng và có giới hạn quyền sở hữu cổ phiếu trên thị trường (hay còn gọi là room ngoại). Hiểu đơn giản, room ngoại là tỷ lệ % cổ phiếu tối đa mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu. Quy định về room ngoại sẽ giúp hạn chế rủi ro khi các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam.
Nhắc tới quỹ ngoại, chúng ta có thể kể tới một số tên tuổi nổi tiếng thời gian gần đây như: VNDiamond ETF, Fubon ETF, VinaCapital, Dragon Capital...
=> Đăng ký khóa học đầu tư chứng khoán miễn phí Let's Investing K8 tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing?source=web
Khối ngoại mua ròng/bán ròng ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán?
Đầu tiên chúng ta cần hiểu mua ròng hay bán ròng là gì? Thuật ngữ mua ròng dùng để chỉ việc các nhà đầu tư nước ngoài mua vào số lượng cổ phiếu nhiều hơn bán ra. Ngược lại, khi họ bán ra nhiều hơn mua vào gọi là bán ròng.
- Cả khối ngoại bán ròng và mua ròng đều có ảnh hưởng đến thị trường. Đặc biệt khi lượng mua ròng tăng cao, thị trường sôi động, khối lượng giao dịch tăng đáng kể, từ đó giá cổ phiếu cũng tăng theo. Điều này được giải thích bởi khối ngoại thường là những cá nhân và tổ chức đầu tư có quy mô lớn. Trước khi giải ngân tiền vào thị trường họ sẽ thực hiện công tác nghiên cứu rất kỹ và không ít nhà đầu tư sẽ ra quyết định dựa trên dòng tiền được cho là “thông minh”, nên quyết định của khối ngoại thường được đánh giá cao. Vì vậy, khi khối này giải ngân mạnh là tín hiệu tốt thúc đẩy nhà đầu tư trong nước hành động, giúp thị trường trở nên tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ.
- Trong khi khối ngoại mua ròng là trụ đỡ tâm lý cho các nhà đầu tư nội thì tình hình khối ngoại bán ròng lại là một mối lo. Bởi khi bán ròng nghĩa là khối ngoại đang rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể vì nhiều lý do nhưng phần lớn là do họ cảm thấy thị trường Việt Nam không còn hấp dẫn. Ngoài ra có thể do tái cơ cấu lại hoạt động quỹ đầu tư và sắp xếp lại nguồn vốn hoặc xu hướng rút ròng chung khỏi thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam. Dù là lý do nào đi chăng nữa thì đây cũng được xem là một tín hiệu không tốt ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Điều này góp phần khiến họ nhanh chóng bán ra cổ phiếu và e dè không dám đầu tư khiến thị trường tăng trưởng chậm lại, thậm chí sụt giảm đáng kể.
- Khi nhà đầu tư cá nhân “áp đảo” về giá trị giao dịch trên sàn (ví dụ từ giữa năm 2021) thì tầm quan trọng của khối ngoại đã không còn nhiều như trước nữa. Tuy nhiên có những thời điểm, việc giao dịch của khối ngoại ảnh hưởng mạnh, nếu không muốn nói là quyết định, đến tâm lý và quyết định của nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, khi tỷ trọng về giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng quy mô giao dịch của thị trường tăng mạnh từ mức 6,2% đầu năm nay lên gần 15% tính tới cuối tháng 11.
- Có thể nói dòng vốn ngoại đang đóng vai trò là động lực chính trong nhịp tăng vừa qua. Tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ đã làm tăng "khẩu vị rủi ro" của nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Đặc biệt sau đợt giải chấp chéo, thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
- Hiện nay dòng tiền khối ngoại vẫn ổn nhưng đang có dấu hiệu chững lại, có thể thị trường chưa tiêu cực ngay nhưng tạm thời đã đánh mất đà tăng và đi ngang tích lũy. Sau tháng 11 mua ròng bùng nổ thì từ đầu tháng 12 đến nay, khối ngoại đã giảm giao dịch một cách rõ nét. Trung bình tuần trước 5 - 9.12, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trung bình 838 tỉ đồng/phiên. Con số này chưa bằng một nửa so với mức mua ròng trung bình tuần trước đó 28 - 2.11 là 1.834 tỉ đồng/phiên.
- Song song với việc khối ngoại co cụm dần thì các thống kê về dòng vốn ETF cũng cho thấy sự chững lại. Ví dụ quỹ Fubon tuần 28.11 - 2.12 trung bình mỗi ngày hút ròng tới 254,8 tỷ đồng thì từ tuần 5 - 9.12 chỉ hút ròng trung bình chưa tới 35 tỉ đồng/phiên.
- Với xu hướng chung của thị trường toàn cầu là điều chỉnh trong tuần qua, việc khối ngoại mua/bán dè dặt hơn là điều có thể hiểu. Đặc biệt trong bối cảnh tâm lý thận trọng bao trùm thị trường chung trước kỳ công bố số liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ cũng như kỳ họp chính sách tháng 12 của FED sẽ diễn ra trong tuần này. Rủi ro lực cầu khối ngoại suy yếu sẽ xảy ra nếu chứng khoán toàn cầu giảm trước 2 yếu tố kể trên: lạm phát cao hơn kỳ vọng và FED ra tín hiệu kéo dài chu kỳ tăng lãi suất.
- Nhưng liệu có phải khi khối ngoại ngừng việc mua ròng thì thị trường sẽ ngay lập tức quay đầu? Câu trả lời là chưa chắc. Hiểu một cách đơn giản, khối ngoại đóng vai trò phát động, thị trường có thể tích lũy rồi tiếp tục đi lên nếu có sự trao tay sang dòng vốn nội. Những hỗ trợ quan trọng như ngưỡng MA50, MA20, ở đây không hẳn là 1 con số cụ thể mà là vùng mà ở đó dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia trở lại và dẫn dắt chỉ số. Đây là điều kiện lý tưởng nhất (giống với 2 năm 2020-2021 sóng tăng mạnh mẽ được kéo chính bởi khối nội và nhà đầu tư cá nhân).
- Lượng bán chủ đạo thời gian qua đến từ các deal bị giải chấp, lượng call margin diện rộng khi bị thắt chặt và cắt TSĐB, cũng như ngay cả các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị tình trạng này. Vậy nếu xử lý xong các vấn đề trên, thanh khoản cải thiện sẽ là động lực cho thị trường.
Vậy muốn thị trường đi tiếp thì cần lượng mua ròng mạnh của cá nhân hay khối ngoại tiếp tục mua ròng liên tục mỗi phiên cũng như thanh khoản phải cải thiện và duy trì ở mức cao.
Có thể thấy rằng, các hành động mua, bán ròng của khối ngoại ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên chúng ta không nên xem biến động giao dịch của khối ngoại làm chỉ báo và lập tức hành động theo, mà chỉ nên lấy đó để tham khảo cho chiến lược đầu tư của cá nhân mình. Cần xem xét giao dịch tất cả các bên như nhà đầu tư tổ chức, tự doanh bên cạnh giao dịch của khối ngoại và có cho mình một chiến lược, kỳ vọng cụ thể.
Người thực hiện: Hương Lan và Cô Thắm Đầu Tư
=> Xem thêm: Chỉ báo MACD là gì? Cách sử dụng chỉ báo MACD đơn giản và hiệu quả trong giao dịch | Macd Indicator