Lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà bất kỳ nhà đầu tư hay đơn giản là người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến lạm phát bởi nó ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Vậy lạm phát là gì? Nguyên nhân lạm phát do đâu? Tại sao chúng ta cần quan tâm tới lạm phát?

Lạm phát là gì?

Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.

Lạm phát – tăng giá hàng hóa

Mọi hàng hóa trên thị trường đều có giá. Giá của hàng hóa dịch vụ chính là số tiền người mua phải trả để có được hàng hóa dịch vụ đó. Nếu đến một thời điểm, giá mỳ tôm tăng từ 5.000 đ lên 10.000 đ và nhiều hàng hóa khác cũng tăng giá như vậy, người ta tính đến một hiện tượng của nền kinh tế, đó là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng là một biểu hiện rõ ràng của lạm phát.

Tuy nhiên, không nhất thiết giá cả của mọi hàng hóa và dịch vụ đồng thời phải tăng lên theo cùng một tỷ lệ, mà chỉ cần mức giá trung bình của nhiều hàng hóa tăng lên thì được cho là hiện tượng của lạm phát. Điều đó có nghĩa là, khi xem xét lạm phát, người ta dựa trên mức giá trung bình của tất cả hàng hoá và dịch vụ. Và aquan trọng là, lạm phát không phải là sự tăng lên của mức giá mà là sự tăng lên liên tục của mức giá.

Lạm phát – suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ

Lạm phát cũng có thể được coi như sự suy giảm sức mua của đồng tiền trong nước so với loại tiền tệ khác. Lúc đó, một đơn vị tiền tệ mua được ít hàng hoá và dịch vụ hơn. Cũng ví dụ trên, nếu trước đây chỉ cần 5.000 đồng, người ta có thể mua được một gói mỳ tôm thì khi có lạm phát 5.000đ chỉ mua được nửa gói mà thôi.

Lịch sử đã chứng minh nhiều đồng tiền giảm sức mua một cách tồi tệ. Năm 1989, giá một kg thịt bò tại Nam Tư là 600.000 dinar, năm 1994 giá một kg thịt bò này là 10.000.000 dinar. Như vậy, vào năm 1994, với 600.000 dinar người ta không thể mua nổi 1 miếng thịt bò. Giá trị trao đổi của đơn vị dinar bị xuống dốc một cách khủng khiếp.

 

=> Ưu đãi 15 ngày trải nghiệm miễn phí toàn bộ tính năng khi Đăng ký Bộ Công Cụ Hỗ Trợ Đầu Tư của TechProfit: https://techprofit.vn/signup?utm_source=web08

Nguyên nhân lạm phát và sự tác động đến nền kinh tế

Nguyên nhân lạm phát

Có thể đưa ra một số lý do gây ra lạm phát như: do nhu cầu của người tiêu dùng tăng đột biến làm giá cả tăng lên. Lúc đó, các doanh nghiệp sẽ cung ứng hàng hóa dịch vụ nhiều hơn và cần nhiều người lao động để sản xuất số hàng hóa dịch vụ tăng thêm đó và thất nghiệp sẽ giảm xuống.

Mặt khác, lạm phát cũng có thể xảy ra khi giá cả các yếu tố sản xuất như tiền lương, thuế gián thu và giá nguyên vật liệu tăng. Đây thường là nguyên nhân chủ yếu đẩy chi phí sản xuất lên cao, làm lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp cung ứng giảm xuống. Doanh nghiệp cần ít công nhân hơn và làm cho thất nghiệp tăng.

Tác động của lạm phát đến nền kinh tế

Trong điều kiện bình thường, nền kinh tế nào cũng tồn tại lạm phát và nó ở mức độ chấp nhận được, thường dưới 10%/năm đối với các nước đang phát triển. Khi nó vượt qua ngưỡng này thì lúc đó nó sẽ gây ra những hệ lụy, tác động đến sự phân phối của cải không theo nỗ lực công hiến và nhu cầu, ví dụ các hợp đồng tín dụng dài hạn.

Nó thường được tính toán dựa trên tỷ lệ lạm phát dự tính. Nếu lạm phát thực tế cao hơn lạm phát dự tính thì: Người đi vay, ngân hàng và doanh nghiệp được lợi, trong khi đó, người cho vay, người gửi tiết kiệm và người lao động nhận một số tiền lương cố định chưa được điều chỉnh theo lạm phát sẽ chịu thiệt.

Khi lạm phát xảy ra, chúng ta cần nhiều tiền hơn để sẵn sàng cho việc chi trả những món hàng hóa như khi chưa có lạm phát. Khiến chúng ta phải đi vay tiền tại tổ chức tín dụng chẳng hạn và các doanh nghiệp cũng cần phải vay vốn nhiều hơn để nhập nguyên vật liệu và hàng hóa duy trì hoạt động kinh doanh.

Nhiều người vay dẫn đến các ngân hàng phải tăng lãi suất, nếu lãi suất tăng nhiều mà doanh nghiệp sử dụng số tiền đó để kinh doanh, khoản lợi nhuận do kinh doanh mang lại nhỏ hơn số tiền lãi phải trả ngân hàng thì nền kinh tế có nguy cơ suy thoái vì các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.

Lúc đó, số người thất nghiệp sẽ gia tăng, đời sống người dân sẽ khó khăn. Thu nhập người dân bị giảm mạnh. Một hệ lụy khủng khiếp là khi lạm phát xảy ra người giàu sẽ tích lũy tài sản và hàng hóa. Trong khi người nghèo không có đủ tiền mua sắm hàng hóa thiết yếu hàng ngày.

Lạm phát có thực sự tồi tệ?

Không hẳn. Như ở trên đã phân tích, trong điều kiện bình thường, một nền kinh tế thường duy trì lạm phát ở mức độ phù hợp. Nếu nền kinh tế lạm phát bằng 0 hoặc giảm phát ( còn gọi là lạm phát âm) cũng sẽ khiến nền kinh tế trì trệ. Hiểu một cách đơn giản, giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục.

Chắc hẳn với nhiều người sẽ nghĩ rằng giá hàng hóa giảm xuống sẽ làm nền kinh tế có lợi, bởi vì chúng ta mua được nhiều hàng hóa hơn? Thực tế không phải như vậy. Khi nền kinh tế trong tình trạng giảm phát , nó tồi không kém một nền kinh tế lạm phát phi mã.

Bởi vì thất nghiệp gia tăng, dòng vốn tắc nghẽn, Các doanh nghiệp đóng cửa do không có lợi nhuận và không có khả năng chi trả lãi vay. Chính vì vậy, mỗi quốc gia đều tìm cách kiểm soát lạm phát chứ không triệt tiêu lạm phát.

Đối với các cá nhân, khi lạm phát tăng cao, thì việc gửi tiền ngân hàng mang lại lợi ích nhanh chóng, do lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao để kiềm chế lạm phát. Giả sử, với lãi suất suất ngân hàng là 14% giai đoạn 2008-2014, thì một người có 500 triệu đồng sẽ nhanh chóng nhân đôi số tiền của họ chỉ sau hơn 5 năm.

 

Là một yếu tố vĩ mô quan trọng, để quản lý tài chính cá nhân thật tốt thì mỗi người không thể không quan tâm đến lạm phát. Tuy nhiên, hãy nhìn lạm phát như những cơ hội đến với bạn. Nếu lạm phát thấp, có thể tăng mua hàng hóa khi giá cả rẻ vừa giúp tăng trưởng kinh tế, lại vừa tiết kiệm tiền. Nếu lạm phát cao, hãy nghĩ tới các tài sản có giá trị hoặc nhân đôi số tiền nhanh chóng trong ngân hàng.

 

=> Xem thêm: #1. Hướng dẫn sử dụng bộ công cụ đánh giá toàn cảnh thị trường - Tín hiệu rủi ro và cơ hội