Hôm vừa rồi Lynch có mang băn khoăn của mình đi hỏi một người anh rất giỏi về vĩ mô. Nay tổng hợp lại và chia sẻ cho bạn có thêm góc nhìn. Câu hỏi Lynch băn khoăn nhất lúc này:

Lạm phát Mỹ liệu còn có tiếp tục tăng và FED liệu có tiếp tục tăng mạnh lãi suất lên nữa hay không? Và nếu phải nâng shock lãi suất hơn nữa thì liệu có cú đổ vỡ liên hoàn cho thị trường tài chính không?


Mình tin không chỉ là băn khoăn của mình và rất nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này. Lạm phát của Mỹ đang ở mức kỷ lục trong 40 năm ở mức hơn 8%, lo ngại về việc FED sẽ tăng nhanh và mạnh lãi suất của mình hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát. Khi lạm phát tăng vững và không có dấu hiệu hạ nhiệt chắc chắn ngân hàng trung ương sẽ can thiệp qua thị trường mở để tăng lãi suất. Mức độ tăng lãi suất phụ thuộc rất nhiều vào mức lạm phát, đích cuối cùng là ngân hàng trung ương phải kiểm soát được lạm phát và lãi suất thực phải dương.

Theo lý thuyết lạm phát Mỹ ở mức 8.3% như công bố trong tháng 4 thì lãi suất huy động thị trường sẽ phải lớn hơn mức đó để đảm bảo mức lãi suất thực dương. Và tham chiếu mức lãi suất cho vay USD trên thị trường liên ngân hàng ( LIBOR ) đang ở mức khoảng 2.7 % ( thấp hơn 8.3% rất nhiều ). 

Tức là FED sẽ phải nâng lãi suất cơ bản lên lớn hơn mức 2.4% như dự kiến rất nhiều vào năm sau để đảm bảo lãi suất thực dương. Nếu điều này xảy ra chắc chắn nền kinh tế sẽ bị hạ cánh cứng và gây ra hiện tượng đổ vỡ hệ thống cho nền kinh tế.

Tuy nhiên FED không căn cứ vào mức lạm phát hiện tại để quyết định chính sách mà căn cứ vào mức lạm phát kỳ vọng. Thông thường đó là mức lạm phát kỳ vọng 5 năm tới, và mức lạm phát này đang ở mức 2.22% (23.05.22). Thú vị là mức lạm phát này đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 2.67% ( 21.04.22 ). Tức là người dân Mỹ kỳ vọng rằng lạm phát trung bình 5 năm tới sẽ duy trì ở mức 2.22% mặc dù hiện nay chỉ số lạm phát tháng 04.22 của Mỹ ở mức 8.3%.



Và giả sử mức lạm phát kỳ vọng 5 năm tới được duy trì ổn định ở mức 2.22% này thì với kế hoạch nâng lãi suất cơ bản lên mốc hơn 2.4% vào năm tới của FED thì chính sách kiềm chế lạm phát của FED đã đạt được kỳ vọng.

Vậy câu hỏi là với việc đánh tín hiệu cho thị trường về lộ trình sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm nay lên mốc hơn 2%. Liệu thị trường đã “ tiêu hóa’’ hết thông tin tiêu cực đó chưa?

Những phát biểu mới nhất của Powell có đoạn

Nếu việc kiểm soát lạm phát đòi hỏi phải tăng lãi suất vượt quá mức mà mọi người cho là trung tính, chúng tôi sẽ không ngại”, ông Powell nói. “Chúng tôi sẽ tăng lãi suất cho tới khi cảm thấy đã đạt tới một trạng thái mà chúng ta có thể nói rằng các điều kiện tài chính đã hợp lý và lạm phát giảm xuống. Chúng tôi sẽ đi đến mức độ đó. Sẽ không có bất kỳ một sự ngần ngại nào”. - Vneconomy

Mức lãi suất trung tính mà Powel đề cập đến ở đây theo các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng là khoảng 2.4%. Tức là khá khớp với lộ trình tăng lãi suất của FED thời gian tới. Nhưng quan trọng là nếu như FED nhìn thấy các điều kiện tài chính hợp lý và lạm phát giảm thì sẽ KHÔNG TĂNG THÊM lãi suất nữa.

Và thứ phản ứng nhạy nhất với bài phát biểu của Powel chính là thị trường. Thị trường sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất với chiến lược của FED.  Sau bài phát biểu này của Chủ tịch FED,  SP500 đã ngừng đà rơi và có 2 phiên phục hồi khá tốt, Bitcoin là tài sản rủi ro rất nhạy với lãi suất cũng không rơi thêm, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm đã quay đầu giảm mạnh. 

Điều này chứng tỏ phần nào thị trường đã trung hòa những rủi ro từ lo ngại lạm phát hay FED siết lại bảng cân đối của mình bằng cú điều chỉnh 20% từ đỉnh ( S&P500 ).

Do vậy nếu như FED có tăng lãi suất thời gian tới theo đúng lộ trình hay có bất cứ dấu hiệu nào từ việc lạm phát hạ nhiệt, thị trường Mỹ rất có khả năng sẽ tăng giá trở lại. 


=> Xem thêm: Cổ phiếu bị hủy niêm yết - Liệu nhà đầu tư có mất trắng?


Về câu chuyện lạm phát thời gian tới có hạ nhiệt hay không? 

  • Việc 75% tài sản của người dân Mỹ tập trung ở thị trường chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư và 80% người dân Mỹ có tài khoản chứng khoán, cú sụt giảm mạnh vừa rồi thu nhập của người dân Mỹ vô hình chung sẽ giảm. 

  • Điều này sẽ khiến họ có xu hướng chi tiêu ít đi qua đó làm giảm tổng cầu và giảm áp lực lạm phát. Thêm vào đó xung đột Nga – Ukraine nếu có một giải pháp hòa đàm nào đó trong thời gian tới cũng sẽ là một tác nhân làm giảm giá hàng hóa đặc biệt là các mặt hàng lương thực và kim loại đang tăng nóng thời gian qua.


Ngay khi lạm phát có dấu hiệu được kiểm soát tốt, NHTW sẽ giảm lãi suất. Tần suất, liều lượng phụ thuộc vào mức giảm của lạm phát. Thời gian duy trì lãi suất cao rất ngắn ( tất nhiên đây là câu chuyện của tương lai ). Và không phải cứ NHTW tăng lãi suất là “xấu”. Phải xem xét đến động cơ tăng lãi suất của NHTW. Nếu lãi suất tăng mà lạm phát được kiềm chế theo đúng mục tiêu và GDP vẫn tăng trưởng thì đó là điều tốt.

Không có logic một chiều giữa lãi suất và giá chứng khoán. Nghĩa là không phải cứ tăng lãi suất thì chứng khoán giảm hoặc ngược lại giảm lãi suất thì chứng khoán tăng. Giải đáp được cái thắc mắc lớn nhất này mình lại có thêm nhiều sự tự tin. Tất nhiên thị trường sẽ cần thời gian để chữa lành vết thương nhưng mình đã thấy rất nhiều cơ hội đầu tư xuất hiện rồi.

“Hãy mua khi có đầy máu trên thị trường, ngay cả khi đó là máu của bạn”
đây cái câu này là của gia tộc Rothschild chứ mình nhìn thấy máu là đã sợ rồi…


=> Tham khảo: Bí quyết đầu tư chứng khoán trong thị trường Downtrend