Việc đọc và hiểu báo cáo tài chính là rất quan trọng trước khi xuống tiền để đầu tư vào một công ty. Nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp hay ngành nghề đều có cấu trúc giống nhau và mỗi ngành nghề sẽ có những khoản mục cần lưu ý khi đọc và phân tích. Vậy khi đọc báo cáo tài chính ngành xây dựng, đâu là những khoản mục nhà đầu tư cần lưu ý? Bài viết dưới đây sẽ cho các nhà đầu tư những góc nhìn mới để tự đánh giá các doanh nghiệp xây dựng một cách chính xác nhất

Bảng cân đối kế toán

Cơ cấu tài sản

Đối với hầu hết các doanh nghiệp, khoản mục tiền và tiền gửi luôn là một khoản mục rất quan trọng. Đây là khoản mục sẽ cho biết tiềm lực tài chính của doanh nghiệp có mạnh hay không. Đối với ngành xây dựng, khoản mục này càng cao càng tốt. Điều này vừa thể hiện sự an toàn tài chính của doanh nghiệp, vừa cho thấy sự uy tín và tăng khả năng trúng thầu khi các doanh nghiệp xây dựng có nhiều tiền mặt có thể sẽ tài trợ một phần cho các dự án, đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn khi tham gia đấu thầu.

Một ví dụ về tiềm lực tài chính mạnh là CTD khi tiền mặt và tiền gửi của công ty chiếm đến 22% trong Q2/2022 tương ứng với khoảng 3,600 tỷ và tỷ lệ này luôn duy trì trong khoảng từ 20-30% từ trước cho đến nay. Với tiềm lực tài chính mạnh như này sẽ cho CTD những lợi thế lớn và điều này đã được hiện thực hóa khi năng lực đấu thầu của CTD đang được cải thiện rõ rệt trong bối cảnh các doanh nghiệp khác không có lượng tiền mặt lớn như vậy. 

Khoản mục cần lưu ý nhất đối với ngành xây dựng là khoản mục khoản phải thu. Đa số các doanh nghiệp xây dựng sẽ có tỷ trọng của khoản phải thu/TTS lớn do đặc thù ngành là làm trước và thu tiền sau. Việc đánh giá khoản phải thu là rất cần thiết khi đây là khoản mục tiềm tàng những rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp xây dựng khi các chủ đầu tư không uy tín có thể bùng không trả tiền, điều này sẽ gây ra những khoản nợ xấu buộc các doanh nghiệp xây dựng phải trích lập dự phòng khoản phải thu khiến cho lợi nhuận bị giảm. 

Một ví dụ là khoản phải thu của 2 doanh nghiệp xây dựng được niêm yết hiện nay là CTD và HBC. CTD có tỷ trọng khoản phải thu/TTS chiếm khoảng 55% trong khi đó chỉ số này của HBC là ~72%. Có thể thấy nếu nhìn qua về chỉ số này thì HBC đang có những rủi ro lớn hơn so với CTD khi khoản phải thu chiếm tỷ trọng quá lớn so với TTS. 

Cơ cấu tài sản của CTD

 

Cơ cấu tài sản của HBC

Cơ cấu nguồn vốn

Khoản mục quan trọng của phần nguồn vốn là nợ vay tài chính ngắn và dài hạn. Đối với hầu hết các doanh nghiệp thì đây đều là một khoản mục quan trọng cần lưu ý. Việc vay nợ quá nhiều sẽ khiến cho tình hình tài chính gặp nguy hiểm và chi phí lãi vay cũng sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó nhà đầu tư nên đánh giá tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp có hợp lý hay không, nếu tỷ lệ nợ/VCSH >1 sẽ là một cơ cấu tài chính kém lành mạnh và tiềm tàng nhiều rủi ro. 

Hai khoản mục cần lưu ý tiếp theo là khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước ngắn hạn. Ngoài việc thể hiện rằng sức mạnh trong đàm phán của doanh nghiệp thì đối với các doanh nghiệp xây dựng nó còn thể hiện rằng doanh nghiệp có ký được nhiều hợp đồng mới hay không. Nếu 2 khoản mục này tăng nghĩa là các hợp đồng ký mới đang tăng do khách hàng trả tiền đặt cọc trước và doanh nghiệp đi mua thêm nguyên vật liệu để tiến hành xây dựng. 

 

=> Đăng ký Khóa học giao dịch thực chiến TRADING MASTERY - SINH TỒN trên mọi giai đoạn thị trường. Diễn ra từ 29/10 đến 30/10. Đăng ký tạihttps://takeprofit.vn/khoa-hoc/trading-mastery?source=web

 

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, hầu hết các đầu doanh thu và chi phí đều nên được xem xét và đánh giá một cách cẩn thận. 

Doanh thu thuần tăng sẽ cho thấy doanh nghiệp đó có chuyển hóa được lượng backlog và hợp đồng ký mới thành doanh thu tốt hay không. Đôi khi nếu chỉ nhìn vào lượng backlog và hợp đồng ký mới thì chưa chắc đã phản ánh được năng lực của nhà thầu đó và tình hình chung của ngành cũng sẽ góp phần quyết định xem doanh thu có được chuyển hóa thành công hay không. 

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp cũng rất quan trọng. Đối với ngành xây dựng, biên lợi nhuận gộp thể hiện về tình hình chung của ngành nhiều hơn là từng doanh nghiệp. Với biên lợi nhuận gộp rất mỏng của toàn ngành xây dựng, việc biến động giá nguyên liệu sẽ tác động rất lớn đến chỉ số này, do đó nó sẽ cho những dấu hiệu để phản ánh xu hướng của toàn ngành.

Biên lợi nhuận ròng là một chỉ số thể hiện nhiều hơn về toàn cảnh doanh nghiệp. Chỉ số này sẽ phản ánh thêm cả chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp khi đây là 2 loại chi phí chính đối với các doanh nghiệp xây dựng ngoài chi phí giá vốn. Với những doanh nghiệp xây dựng thì chi phí tài chính tác động rất lớn bởi biên lợi nhuận quá mỏng. Đối với những doanh nghiệp có khoản phải thu lớn và dễ phát sinh nợ xấu, việc các doanh nghiệp ngành xây dựng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đó sẽ được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp và khiến cho lợi nhuận bị giảm. 

 

Có thể thấy, việc đọc và hiểu báo cáo tài chính sẽ giúp chúng ta nhận ra được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp. Đặc biệt đối với ngành xây dựng, các khoản trích lập dự phòng sẽ tác động rất lớn đến lợi nhuận và báo cáo tài chính sẽ cho chúng ta cái nhìn sâu sắc nhất về việc doanh nghiệp đó có khả năng trích lập dự phòng không. Do đó để tự tin nắm giữ các khoản đầu tư của mình thì việc đọc và hiểu được báo cáo tài chính là rất quan trọng.

 

=> Xem thêm: Cổ phiếu C4G - Hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công cuối 2022 | Tiềm năng và lợi thế cạnh tranh