Tiếp nối Series “Tất tần tật về nến Nhật”, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các mô hình đảo chiều theo hướng tăng giá. Mô hình nến đảo chiều tăng cho thấy tín hiệu giá sắp sửa quay đầu từ giảm sang tăng, đây có thể coi như một tín hiệu sớm, báo hiệu cho chúng ta việc hình thành đáy. Giai đoạn này cũng có khá nhiều mã cổ phiếu đang trong xu yếu, liệu nó còn tiếp tục giảm thêm, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về các mô hình này để áp dụng vào trong quá trình giao dịch, tránh sự tiếc nuối khi “cắt trúng đáy” nhé.

6 mô hình nến đảo chiều theo hướng tăng giá

Mô hình Cây búa (Hammer) 

 

Mô hình này được tạo ra khi nào?
Đó là khi giá mở cửa, giá cao nhất, và giá đóng cửa gần bằng nhau. Ngoài ra, phần bóng nến dưới dài gấp đôi so với phần thân nến. Khi mức giá cao nhất và giá đóng cửa bằng nhau, một cây nến Hammer tăng giá được hình thành mạnh mẽ bởi vì thị trường có thể đẩy giá cao hơn giá mở cửa.
Ngược lại, khi giá mở cửa và giá cao nhất bằng nhau, nghĩa là giá đóng cửa thấp hơn hình thành 1 cây nến đỏ, mô hình Hammer được coi là ít tăng hơn, vì giá đóng cửa không thể quay trở lại mức giá mở cửa cao hơn trước đó.
 

=>  Để bắt đầu hành trình đầu tư một cách hiệu quả và bền vững, nhà đầu tư hãy tham gia ngay Khóa Học Miễn Phí Let's Investing K8, khóa học Đầu tư Chứng khoán chỉ với 0 đồng học phí. Đăng ký ngay tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing

 

Còn bóng nến dưới dài theo các bạn ngụ ý điều gì? 

Đó là thị trường đã thử nghiệm tìm vùng hỗ trợ và khi tìm thấy khu vực hỗ trợ, mức giá đủ hấp dẫn để thu hút cầu vào, giá bắt đầu được đẩy cao hơn, lên gần mức giá mở cửa. Do đó, xu hướng giảm giá đã dừng lại.

- Ví dụ: Mã cổ phiếu IJC, bạn có nhìn ra mô hình cây búa tại phiên 20/7/2021 không?

Giá mở cửa 22.2, giá cao nhất 22.9 và giá đóng cửa 22.8 của ngày hôm đó. Bên cạnh đó, phần bóng nến dưới chúng ta cũng thấy rất rõ ràng nó dài gấp đôi với thân nến đúng không nào?

Đồng thời mô hình này xuất hiện ở vùng hỗ trợ MA200, đường xu hướng dài hạn, chính vì vậy đây là mốc hỗ trợ khá mạnh. Và sau phiên đó, IJC đã có 1 chuỗi tăng giá khá hấp dẫn tương đương 30% trong vòng gần 1 tháng, và xu hướng tăng vẫn chưa dừng ở đây, IJC đã đi ngang tích lũy 1 thời gian và sau đó tiếp tục đà tăng của mình.

Mô hình Búa ngược (Inverted Hammer)

- Sự hình thành nến Inverted Hammer xảy ra chủ yếu ở điểm dưới cùng của xu hướng giảm và có thể đóng vai trò như một cảnh báo về một sự đảo ngược giá.

- Mô hình Búa ngược được tạo ra khi giá mở cửa, giá thấp nhất, và giá đóng cửa gần bằng nhau. Ngoài ra, nó có một bóng nến trên dài ít nhất gấp đôi chiều dài của thân nến.

- Khi mức giá thấp nhất và giá mở cửa là như nhau (nến xanh) được coi là dấu hiệu tăng mạnh hơn so với khi giá thấp nhất và giá đóng cửa gần nhau (nến đỏ).

- Sau một xu hướng giảm giá dài, mẫu Inverted Hammer xuất hiện là một dấu hiệu của sự đảo chiều tăng giá. Bởi vì nó đã có sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Lúc này, đường giá đang trong xu hướng giảm nhưng đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ và đáng kể của sự tăng giá ngay trong ngày giao dịch.

- Tuy nhiên, người bán đã quay lại thị trường và đẩy giá xuống gần với giá mở cửa. Nhưng với việc đường giá có thể tăng đáng kể đã nói lên lực cầu đang thử thách sức mạnh lực cung của thị trường.

- Khi phát hiện ra nến búa ngược chúng ta nên chờ phiên giao dịch tiếp sau kết thúc (chờ nến tiếp theo) để ra quyết định trước khi vào lệnh. Dấu hiệu xác nhận mô hình đó là nến tăng giá mạnh xuất hiện sau đó hoặc có một khoảng nhảy giá tăng (gaps up).

 Mô hình Nhấn chìm tăng (Bullish Engulfing)

Hình ảnh bên trên đã minh họa rõ ràng đặc điểm của mô hình này với 2 cây nến ngược chiều nhau 

– Cây nến thứ nhất là một nến giảm (nến đỏ) với phần thân khá ngắn và nhỏ.

– Cây nến thứ hai là một cây nến tăng (nến xanh) với phần thân rất dài và bao trùm toàn bộ cây nến thứ nhất.

– Phần thân cây nến 2 “bao phủ” hoàn toàn phần thân của cây nến 1. (Có nghĩa là giá đóng cửa nến 2 > giá mở cửa nến 1, và giá mở cửa nến 2 < giá đóng cửa nến 1).

Mô hình nhấn chìm tăng giá đáng tin cậy nhất khi xuất hiện ở đáy của xu hướng giảm. Điều này ngụ ý rằng áp lực mua đang gia tăng, khống chế được đà giảm. Xu hướng hiện tại bắt đầu đảo chiều bởi vì có nhiều người mua hơn và đẩy giá lên cao, tạo đà cho xu hướng tăng mới. 

Chiến lược giao dịch với mô hình này đã được mình phân tích rất kỹ trong bài viết trước, mọi người tìm đọc lại nhé.

 

=> Xem thêm: Giao dịch hiệu quả với mô hình nến BULLISH ENGULFING

Mô hình Đường xuyên tăng (Piercing line)
 

Mô hình Piercing Pattern (Đường Xuyên) xuất hiện tại đáy của một xu hướng giảm, được tạo ra từ 2 cây nến, một cây nến đỏ thân dài, theo sau là một nến tăng với giá mở cửa thấp hơn đáy của cây nến đầu tiên tức là xuất hiện một khoảng trống (gap), sau đó giá tăng và đóng cửa bên trên điểm giữa của cây nến thứ nhất.

Tâm lý nhà đầu tư diễn biến như thế nào trong mô hình này?

- Cây nến đầu tiên cho thấy thị trường đang đi xuống, phe bán mạnh đã tạo ra một cây nến thân rất dài và đẩy giá xuống một khu vực mới. Sang ngày thứ 2, giá được đẩy xuống thêm một đoạn nữa, về đến vùng hấp dẫn hơn kéo cầu vào giúp giá bắt đầu tăng trở lại.

- Sự loại bỏ khoảng trống giảm ở ngày thứ 2 đã là một dấu hiệu tăng giá và sự tăng giá này đã có thể đẩy giá lên tương đương với sự sụt giảm của ngày hôm trước. Sự tăng giá này đã thành công khi đẩy giá lên được ở mức cao, hấp dẫn sức cầu và đánh dấu mức suy giảm của lực cung thị trường.

- Thường có một khoảng cách đáng kể giữa giá đóng cửa nến đầu tiên và giá đóng cửa nến thứ 2. Nó cho thấy sức mua mạnh vì giá được đẩy lên hoặc cao hơn mức giá trung bình của ngày hôm trước. Nến thứ hai đẩy lên càng cao so với nến giảm thứ nhất thì xác suất đảo chiều sẽ càng lớn.

Mô hình Sao Mai (Morning star)
 

Morning Star (Sao Mai) thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, báo hiệu thị trường bắt đầu đảo chiều tăng. Nói cách khác, sự xuất hiện của mô hình là tín hiệu cảnh báo xu hướng giảm giá trước đó đang chuẩn bị kết thúc để khởi đầu cho một xu hướng tăng giá mới. 

Mô hình Sao Mai cấu tạo gồm 3 nến

- Cây nến đầu tiên là nến giảm mạnh, thể hiện sự tiếp diễn của xu hướng giảm trước đó. 

- Cây nến thứ 2 phải có phần thân nhỏ, có thể là một nến Doji, giảm hoặc tăng. Nếu khoảng trống (gap) giữa cây nến thứ 2 với hai nến còn lại càng lớn thì mô hình càng hiệu quả.

- Còn nến thứ 3 phải là nến tăng mạnh với phần thân lớn, chiều dài tối thiểu phải bằng ½ đến ¾ cây nến thứ 1, thể hiện có lực mua mạnh hỗ trợ giá.

Ý nghĩa của mô hình này được hiểu như thế nào?

- Mô hình bắt đầu với một nến giảm dài cho thấy bên bán hiện đang kiểm soát tình hình và vẫn tiếp tục đẩy giá xuống trên đà hưng phấn.

- Tuy nhiên sau đó thị trường bắt đầu lưỡng lự, lúc này phe mua đã bắt đầu tham gia vào thị trường nhiều hơn trong khi phe bán dường như không còn muốn bán nữa. Thị trường đang dần cân bằng trở lại, tạo ra một cây nến thân ngắn.

- Tiếp tục, lực mua mới xuất hiện, nến tăng lớn cho thấy phe mua đã chiếm được ưu thế, lực mua càng tăng mạnh, giá càng tăng hỗ trợ thị trường đảo chiều.

- Chúng ta có thể xem xét vào lệnh ngay khi mô hình hoàn tất, đặc biệt là khi có thêm các yếu tố hỗ trợ như vùng hỗ trợ, vùng quá bán xác suất thành công sẽ cao hơn.

Mô hình Ba chàng lính trắng (Three white soldiers)

Mô hình này được tạo ra khi nào?

- Mô hình có cấu tạo gồm 3 cây nến thành phần, trong đó cả 3 nến đều là nến tăng (nến xanh) với phần thân khá lớn. Trong đó mỗi nến trong mô hình có giá mở cửa ngang với giá đóng cửa của nến trước đó và giá đóng cửa gần bằng với giá cao nhất trong cùng một cây nến. Những chân nến trong mô hình này thường có bóng nến ngắn hoặc lí tưởng nhất là không có bóng nến.

- Mô hình này thường xảy ra ở cuối của xu hướng giảm và là cột mốc cho bước tăng vọt trở lại của thị trường sau một thời gian giảm dài.

- Mô hình nến ba chàng lính trắng cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm lý thị trường tạo nên hành động giá (price action) trên biểu đồ. Khi một cây nến có bóng nến ngắn hoặc không có bóng, chúng ta có thể hiểu rằng rằng những con bò (bulls) đang cố gắng duy trì giá đóng cửa bằng với giá cao nhất của phiên giao dịch. Về cơ bản, những con bò kiểm soát sự biến động giá trong toàn bộ phiên giao dịch và khi kết thúc ba phiên giao dịch liên tiếp, giá đóng cửa gần với mức cao nhất trong ngày.

=> Ví dụ SCR đã có 3 phiên tăng liên tiếp từ 20 - 22/7/2021 sau đợt giảm, đồng thời mô hình này xuất hiện ngay khi chạm hỗ trợ MA200, đây cũng là mốc hỗ trợ như mình đã nói ở ví dụ trên. Sau đó SCR tích lũy vài phiên, xác nhận đảo chiều xu hướng và tiếp tục đà tăng trong trung hạn.

 

Trên đây là một số mô hình nến đảo chiều tăng mà mình thấy khá hay xuất hiện. Bạn có hay áp dụng những mô trên vào trong quá trình giao dịch và tính hiệu quả của nó như nào hãy cùng cmt chia sẻ nhé!
 

=> Xem thêm: Nến Nhật là gì? Các mô hình nến Nhật cơ bản mà nhà đầu tư cần biết - Cách đọc nến Nhật đơn giản