Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã chứng khoán: HAH) kinh doanh trong lĩnh vực logistics, tập trung vào hai mảng dịch vụ lớn là dịch vụ cảng biển container và kinh doanh vận tải container đường biển, với tỷ trọng doanh thu trong năm 2021 lần lượt là 11% và 82%. Cùng xem những triển vọng và rủi ro của HAH trong năm 2023 để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp giai đoạn này.

Bùng nổ lợi nhuận

Năm 2022 là một năm bùng nổ kết quả kinh doanh của HAH khi cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều đạt đỉnh, lần lượt đạt 3,205 tỷ và 821 tỷ, mức cao nhất trong lịch sử của công ty.

Nguồn: Wichart

Kết quả kinh doanh rất tích cực này đến từ nhiều nguyên nhân cả bên ngoài lẫn nội tại của doanh nghiệp. Về những sự kiện bên ngoài, Covid-19 bùng nổ từ năm 2020 đã khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi các quốc gia thực hiện chính sách giãn cách xã hội, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao đã khiến giá cước tăng mạnh. Bên cạnh đó, chiến tranh giữa Nga-Ukraine lại càng khiến cho tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn và cũng khiến cho chi phí năng lượng tăng cao, điều này khiến cho giá cước đã cao lại càng cao hơn nữa. 

Nguồn: SSI, HAH

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được những lợi thế từ bên ngoài thì HAH phải cho sở hữu một nội tại vững chắc. Tính đến cuối năm 2022, HAH đã sở hữu 11 tàu với tổng công suất hơn 16,000 TEU, trở thành doanh nghiệp với đội tàu biển container lớn nhất Việt Nam. Do đó HAH đã tận dụng rất tốt được những “thiên thời, địa lợi” từ những sự kiện trên, ở cả việc tự vận hành tàu trong các tuyến nội địa, ở cả việc cho thuê tàu để hưởng lợi từ giá cước tàu quốc tế đang tăng mạnh. 

Nguồn: FPTS tổng hợp

 

=> Đừng bỏ lỡ khóa học chứng khoán miễn phí Let’s Investing K9 - Bứt phá năm 2023 với những cơ hội tiềm năng do chính bạn tự tay nắm bắt. Link đăng ký tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing

Đỉnh của chu kỳ

Một ngành mang tính chu kỳ như vận tải biển sớm muộn cũng sẽ đến lúc đạt đỉnh và đi xuống, điều này đã được diễn ra ngay trong nửa cuối năm 2022 khi giá cước vận tải thế giới đã đạt đỉnh và quay đầu giảm trong năm 2022 bởi một số nguyên nhân chính đến từ việc chuỗi cung ứng được hồi phục sau Covid, nguồn cung tàu tăng mạnh và nhu cầu trở nên kém đi khi lạm phát tăng cao. 

Áp lực dư cung càng ngày càng lớn khi trong giai đoạn giá cước tăng cao, nhiều doanh nghiệp vận tải container đã thi nhau đóng tàu mới nhằm hưởng lợi từ sự tăng mạnh của giá cước. Theo ước tính của BIMCO, nguồn cung đội tàu trong 3 năm tới được dự báo sẽ tăng trung bình 8%/năm, trong khi đó tăng trưởng nhu cầu chỉ đạt mức khoảng 3% cho thấy sự chênh lệch rõ rệt, càng gây áp lực lớn hơn cho giá cước vận tải. 

Nguồn: FPTS tổng hợp

Triển vọng và rủi ro HAH sẽ phải đối mặt trong tương lai

Mặc dù hiện tại HAH đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi tình hình vĩ mô đang không ủng hộ, tuy nhiên công ty cũng cho thấy những chiến lược của mình để củng cố triển vọng dài hạn hơn trong tương lai. 

Thành lập liên doanh Zim - Hải An 

Zim Integrated Shipping Ltd là hãng tàu lớn thứ 10 trên thế giới, việc HAH thành lập liên doanh với Zim sẽ là bước đệm để công ty tiến ra thị trường quốc tế trong bối cảnh sự cạnh tranh đang rất khốc liệt hiện nay. Nhờ liên doanh với Zim, HAH có thể phát triển các tuyến vận tải quốc tế với mục tiêu làm đội tàu feeder, chuyên thực hiện công việc gom hàng hay trung chuyển hàng hóa tại các cảng trước khi được đưa lên tàu mẹ của Zim. Điều này sẽ giúp HAH giảm áp lực trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng khi đã có hãng tàu mẹ bao tiêu cho hoạt động khai thác. 

Định hướng dịch vụ cảng làm phụ trợ cho vận tải biển

Dịch vụ cảng là một trong 2 nguồn doanh thu chính của HAH (cùng với dịch vụ vận tải biển), tuy nhiên ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu do doanh thu đến từ vận tải biển đang ngày càng lớn. Cảng Hải An do không thể mở rộng công suất vì hạn chế về vị trí địa lý đã khiến sản lượng khai thác đi ngang và khiến dư địa tăng trưởng mảng này không nhiều. Chính vì thế, HAH đã hướng đến chiến lược tập trung nâng cấp cảng Hải An thay vì mở rộng để biến nó thành lĩnh vực phụ trợ cho lĩnh vực chính là vận tải biển, giúp tiết giảm chi phí cho bên thứ ba (chiếm 29% chi phí sản xuất kinh doanh). 

Bên cạnh đó, HAH cũng đang cố gắng tối ưu doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ cảng khi công ty đang muốn đầu tư thêm cảng Depot để chuyển lượng hàng vận tải nội địa sang, trong khi tận dụng cảng Hải An cho hàng hóa xuất khẩu, điều này sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh công suất khó có thể tiếp tục mở rộng được.

Nguồn: FPTS tổng hợp

Nhu cầu suy giảm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của HAH trong ngắn hạn

Áp lực từ lạm phát và lãi suất tăng sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm và hoạt động xuất nhập khẩu trở nên ảm đạm trong năm 2023. Bên cạnh đó là tình trạng dư cung tàu sẽ càng khiến cho giá cước vận tải giảm mạnh hơn khi lượng cung tàu mới vào thị trường trong năm 2023 là tương đối lớn, ngoài ra lượng cung tàu tại Trung Quốc khi quốc gia này mở cửa quay trở lại thị trường cũng khiến cho giá cước giảm mạnh hơn. 

Trước triển vọng kém khả quan thì 2023-2024 được dự báo sẽ là giai đoạn khó khăn của ngành vận tải biển nói chung và HAH nói riêng, do đó sẽ cần chờ đến khi chu kỳ quay trở lại sẽ là thời điểm tốt hơn để đầu tư đối với cổ phiếu này. 

 

=> Xem thêm: Mức định giá thị trường lúc này có còn rẻ để đầu tư dài hạn | Đánh giá thị trường chứng khoán