Nửa đầu năm 2022 ngành xây dựng đã đối mặt với rất nhiều khó khăn từ chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao cho đến thị trường bất động sản gặp vấn đề về huy động vốn. Để đánh giá xem liệu nửa cuối năm 2022 mọi thứ có trở nên tươi sáng hơn đối với cổ phiếu ngành xây dựng hay không thì hãy cùng Take Profit phân tích ngành xây dựng, những yếu tố nào là quan trọng khi nhận định về nhóm ngành này ngay dưới đây nhé. 


Tổng quan ngành xây dựng

Ngành xây dựng gồm 2 nhóm ngành nhỏ là nhóm xây dựng dân dụng và nhóm xây dựng hạ tầng.

- Nhóm xây dựng dân dụng đại diện là các mã cổ phiếu như CTD, HBC. Ngoài ra còn rất nhiều công ty có tên tuổi khác nhưng không lên sàn như Ricons, Newtecons, Central,... Nhóm này chủ yếu sẽ xây dựng các công trình về nhà để ở, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng,...

- Nhóm xây dựng hạ tầng bao gồm các mã cổ phiếu như FCN, HHV, VCG, C4G,... là những doanh nghiệp chủ yếu xây dựng các công trình đường xá, cầu đường, hạ tầng khu công nghiệp,... và nhóm ngành này thường được mọi người biết đến với cái tên là đầu tư công.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ngành xây dựng

Để phân tích một cách rõ ràng và chi tiết nhất đến nhóm ngành này, yếu tố đầu vào và yếu tố đầu ra sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn thể nhất. 

Yếu tố đầu vào

Chi phí nguyên vật liệu chiếm đến 75% tổng chi phí xây dựng, trong đó thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 40%-50% tổng chi phí xây dựng, xi măng là nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao thứ 2 với mức ~10%, còn lại là các nguyên vật liệu khác và chi phí nhân công, chi phí khấu hao,..


Giá thép

Giá thép đã giảm rất mạnh từ đầu tháng 5/2022 với mức giảm từ đỉnh là 19 triệu/tấn xuống chỉ còn hơn 15 triệu/tấn. Hiện giá thép vẫn đang trong xu hướng giảm, mới đây HPG lại công bố giảm thêm 200,000VND/tấn thép xây dựng.

Việc giá thép giảm mạnh đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó giá nguyên liệu sản xuất thép là quặng sắt và than cốc giảm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đà giảm của giá thép.

Quặng sắt

Về quặng sắt, đây là nguyên liệu chiếm 35% chi phí sản xuất thép. Giá quặng sắt đã tăng hơn 30% từ đầu năm 2022 trước khi đạt đỉnh vào đầu tháng 6/2022 và giảm liên tục cho đến thời điểm hiện tại. Việc giá quặng sắt tăng cao được lý giải bởi 2 nguyên nhân chính: (1) Chiến tranh Nga – Ukraine khiến nguồn cung xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm do Ukraine là nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 4 thế giới và (2) nguồn cung của các nhà xuất khẩu quặng sắt hàng đầu là Australia và Brazil đang ở dưới mức tiềm năng khi các công ty khai thác đang gián đoạn do sự cố chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động do đại dịch gây ra, trong đó có mỏ Vale của Brazil cũng phải đối mặt với các vấn đề về thời tiết


Than cốc

Về than cốc, nguyên liệu này chiếm đến 45% chi phí giá vốn sản xuất thép. Giá than cốc cũng đạt đỉnh vào cuối tháng 3/2022 và giảm mạnh sau đó. Nguyên nhân giá than cốc tăng mạnh đến từ việc chiến tranh Nga – Ukraine khiến nguồn cung xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm do Nga là nước xuất khẩu than cốc lớn thứ 3 trên thế giới (sau Australia và Mỹ). Bên cạnh đó, than cốc và than đá có mối liên kết với nhau. Việc Nga giảm xuất dầu sang EU dẫn đến nhu cầu than sưởi ấm để thay thế khí tăng lên dẫn đến giá than đá tăng và than cốc cũng tăng theo.

Ngoài ra, Australia là nhà xuất khẩu than cốc lớn nhất thế giới, lượng mưa kỷ lục tại miền Bắc Australia khiến một số mỏ bị lụt. Từ đó nguồn cung giảm góp phần làm tăng giá trong thời gian vừa rồi.


Yếu tố đầu ra

Kỳ vọng vào việc giải ngân vốn đầu tư công

Việc giá nguyên liệu giảm mạnh sẽ thúc đẩy Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư công trở lại khi giá nguyên liệu phù hợp. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, 5 dự án hạ tầng cấp trọng điểm quốc gia được Quốc hội phê duyệt theo hình thức đầu tư công.

Hiện nay Việt Nam đang giành nguồn lực rất lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng khi với 5 dự án mới được chấp thuận, tổng số dự án cao tốc - hạ tầng cấp trọng điểm quốc gia được Quốc hội phê duyệt theo hình thức đầu tư công trong năm nay đã tăng lên 17 dự án. Có thể nói nhóm ngành xây dựng hạ tầng (đầu tư công) đang bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh khi cả đầu vào là giá nguyên liệu và đầu ra là tiến độ đốc thúc triển khai đầu tư công đang rất ủng hộ. Do đó nhóm cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng hoàn toàn được kỳ vọng trong nửa cuối 2022 này.


Thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục

Vào giữa tháng 7/2022 vừa rồi, thị trường bất động sản đã đón nhận một thông tin tích cực đó là tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước”. Động thái này có thể là điểm sáng đối với thị trường bất động sản giai đoạn nửa cuối năm 2022 khi các doanh nghiệp bất động sản có nền tảng tốt, tài sản đảm bảo chất lượng, minh bạch sẽ không phải chịu nhiều thiệt thòi như trước, từ đó kéo theo sự phát triển của nhóm xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước mới đây đã chính thức tuyên bố không nới room tín dụng trong năm nay. Trái với những thông tin tích cực bên trên, tuyên bố này của Ngân hàng nhà nước sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường bất động sản khi các khoản vay để mua nhà của người dân là nhiều, từ đó sẽ dẫn đến thanh khoản nửa cuối năm 2022 của thị trường bất động sản có khả năng là sẽ thấp.


=> Tham khảo thêm: Các mã cổ phiếu đầu tư công nhà đầu tư có thể tham khảo năm 2022


Diễn biến nhóm cổ phiếu ngành xây dựng

- Nhóm xây dựng dân dụng: CTD, HBC

- Nhóm xây dựng hạ tầng: HHV, FCN, VCG


- Doanh thu của nhóm xây dựng dân dụng như CTD và HBC đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2021 do nền thấp trong năm 2021 khi bị tác động tiêu cực bởi Covid. Tuy nhiên các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng như CII, LCG có tăng trưởng doanh thu âm khi nửa đầu năm 2022 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là rất chậm.

- Về CTD, Q2/2022 lợi nhuận sau thuế âm 23.8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi 44.9 tỷ đồng. Nguyên nhân do CTD đã trích lập dự phòng khoản phải thu cho dự án D’Capitale với chủ đầu tư là 1 công ty con của Tân Hoàng Minh hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh cốt lõi của CTD trong Q2/2022 có sự khởi sắc khi cả doanh thu lẫn biên lãi gộp đều tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ và Q1/2022.

- Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của HBC vẫn dương 50.3 tỷ, có giảm 14.9% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, biên lãi gộp của HBC giảm từ 6.6% xuống chỉ còn 3.3% do cách hạch toán doanh thu của HBC và CTD khác nhau. Cụ thể là HBC sẽ ghi nhận doanh thu theo tiến độ dự án và vì thế giá vốn cũng sẽ được hạch toán tại thời điểm đó, đây là thời điểm giá thép vẫn đang ở đỉnh. 

- Đối với nhóm cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng, lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ. HHV, CII tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức cao do chi phí giá vốn giảm và công ty tiết giảm được chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng. Đối với LCG, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng dương tuy nhiên không đến hoạt động kinh doanh cốt lõi mà do công ty ghi nhận doanh thu tài chính đột biến trong kỳ.

- Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành xây dựng đã đi qua và thực tế dấu hiệu hồi phục đã được thể hiện vào báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong Q2/2022 khi doanh thu lẫn lợi nhuận đều đang hồi phục. Trong dài hạn với việc giá thép có lần giảm thứ 10 liên tiếp với tổng mức giảm lên đến gần 20%, cùng với đó là nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn đang rất lớn. Khi tiến độ đầu tư công được đảm bảo và nút thắt tại thị trường bất động sản được tháo gỡ thì dư địa tăng trưởng cho ngành xây dựng sẽ rộng mở trở lại.

Có thể thấy, nếu nhìn vào đường RS60 thì cổ phiếu xây dựng đã cắt đi lên so với VNINDEX. Điều này cũng khá dễ hiểu khi giai đoạn xấu nhất đã qua đi và đang xuất hiện những dấu hiệu hồi phục.


Tuy nhiên 20 phiên trở lại đây đang cho thấy nhóm ngành này vươn lên mạnh mẽ do đang bắt đầu xuất hiện khá nhiều những thông tin tích cực. 



Với những diễn biến trên thị trường Việt Nam như hiện nay, ngành xây dựng được kỳ vọng đã và đang vượt qua giai đoạn khó khăn vừa rồi. Tất nhiên để bứt phá mạnh trong nửa cuối 2022 là một thử thách lớn không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được, vì thế việc lựa chọn các mã cổ phiếu ngành xây dựng nào vẫn là quan trọng nhất mà nhà đầu tư cần làm lúc này. 


=> Xem thêm: Cổ phiếu ngành xây dựng có tiềm năng gì nửa cuối năm 2022 - Cổ phiếu HHV, VCG, LCG, CII, CTD, HBC