Thủy sản là một trong những ngành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên cổ phiếu ngành thủy sản là cổ phiếu mang tính chu kỳ có xu hướng biến động theo nền kinh tế, bởi vậy nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ quyết định đầu tư. Cùng đọc bài phân tích ngành thủy sản của Take Profit dưới đây để đưa ra quyết định đầu tư tốt nhất.

Diễn biến và triển vọng nhóm thủy sản

(VASEP)

Lũy kế 10T/2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã có dấu hiệu chậm dần lại trong những tháng gần đây. Nguyên nhân đến từ 2 lý do chính: 

- Nhu cầu tiêu thụ tại các nước nhập khẩu suy yếu khi lạm phát tăng cao 

- Tồn kho tại một số thị trường nhập khẩu lớn đặc biệt thị trường Mỹ vẫn cao. Với nhóm ngành thủy sản, các doanh nghiệp trên sàn chủ yếu tập trung xuất khẩu 2 mặt hàng chính là cá tra và tôm, trong đó với mặt hàng cá tra, các doanh nghiệp Việt Nam có vị thế tốt hơn so với phần còn lại do là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới.

Nhóm cá tra

- Đóng góp phần lớn trong đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhóm thủy sản đó chính là tăng trưởng của nhóm cá tra. Luỹ kế đến hết tháng 10 xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn diễn biến theo tháng dễ thấy đà tăng đã chậm lại đáng kể, và xuất khẩu cá tra tháng 10 đã rơi về mức thấp nhất trong cả năm qua với 159 triệu USD (tăng trưởng chỉ 16% svck T10/2021)

(VASEP)

- Giai đoạn đầu năm 2022, nguyên nhân khiến giá và sản lượng xuất khẩu tăng là do (1) nguồn cung cá thịt trắng bị thắt chặt do giảm sản lượng được khai thác trên toàn cầu và ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của nhiều nước với sản phẩm cá minh thái từ Nga; (2) nguồn cung cá tra nguyên liệu bị thiếu ở trong nước do người dân treo ao bởi chu kỳ ngành thấp năm trước đó đẩy giá cá nguyên liệu lên cao; (3) tồn kho cá tra bị thấp tại các thị trường xuất khẩu khác nhau đặc biệt là thị trường Mỹ do đứt gãy chuỗi cung ứng trong 2021 và (4) nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU và Trung Quốc. 

- Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại trong những tháng của quý 3/2022. Xét thị trường Mỹ, một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá tra từ Việt Nam, dễ dàng nhận thấy sản lượng nhập khẩu đang giảm dần do (1) nhu cầu tiêu thụ của cá nhân bị sụt giảm trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và suy thoái, (2) tồn kho tại thị trường này vẫn ở mức cao sau một thời gian liên tục nhập khẩu (giai đoạn từ cuối 2021 đến T5/2022). Sản lượng xuất khẩu cá tra từ Việt Nam đi dự kiến có thể sẽ có hồi phục nhẹ trong Q4/2022 do nhu cầu tăng lên để chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm, tuy nhiên số liệu tháng 10 về xuất khẩu cho thấy khá khó có khả năng sản lượng sẽ quay lại mức đỉnh như trong Q2.2022.

(NOAA)

- Ngoài chỉ báo về mặt sản lượng, giá bán cũng là yếu tố chỉ báo rất mạnh với nhóm nặng tính chu kỳ như cá tra. Khi nhu cầu tại thị trường Mỹ đã cho thấy dấu hiệu suy giảm, giá cá tra xuất khẩu vào thị trường này cũng bắt đầu có dấu hiệu tạo đỉnh và hạ nhiệt từ Q3/2022. Đây có thể chỉ báo sớm cho việc chu kỳ lên của ngành trong ngắn hạn đã kết thúc. Giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ tuy có dấu hiệu ngóc lên trong tháng 10 nhưng là do cầu tiêu thụ dự kiến sẽ cải thiện nhẹ vào giai đoạn nhiều dịp lễ trong Q4/2022. Tuy nhiên, rất khó có khả năng đây là một nhịp tăng dài và mạnh của giá cá tra, chúng ta vẫn nên theo dõi thêm về diễn biến này.

(Stockline)

- Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu luôn hàm chứa rất nhiều tín hiệu trong việc phân tích triển vọng ngành cá tra và chỉ báo này cũng đã hạ nhiệt sau khi tạo đỉnh trong Q2/2022. Nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu hạ nhiệt đến từ 2 nguồn (1) Nguồn cung cá tra nguyên liệu gia tăng do người dân đổ xô đi nuôi trồng trở lại khi bước vào chu kỳ lên của ngành, (2) nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu hạ nhiệt ở các thị trường nhập khẩu, dẫn dắt ngành là thị trường Mỹ. 

(KISVN)

- Với thị trường Trung Quốc, Giá trị xuất khẩu cá tra hiện vẫn đang duy trì một mức tăng rất ấn tượng svck 2021 vì 2021 xảy ra tình trạng thắt chặt biên và phong tỏa. Sang năm 2022, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid nhưng do đã thực hiện lockdown trong thời gian dài, dẫn đến sản xuất trong nước và nhập khẩu đều đình trệ, Chính phủ Trung Quốc phải có những chính sách nới lỏng hơn với hoạt động thủy sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, sau khi giá trị xuất khẩu và giá bán cá tra từ Việt Nam tăng mạnh trong những quý đầu năm và xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt dần khi sang cuối Q2/2022. Dấu hiệu hồi phục cũng bắt đầu có từ tháng 10/2022 và dự kiến sẽ hồi phục trong cả Q4/202 để phục vụ cho đơn hàng và tiêu thụ trong dịp Tết nguyên đán và các dịp lễ cuối năm. 

(VASEP)

Đánh giá nhóm cá tra

Từ việc phân tích các chỉ báo tại các thị trường nhập khẩu chính, ta thấy khả năng cao nhóm xuất khẩu cá tra đã đi qua đỉnh chu kỳ tăng về cả giá bán và sản lượng. Tuy nhiên, giai đoạn Q4.2022, dự kiến nhóm này sẽ có cả sự hồi phục về cả giá bán và sản lượng do chuẩn bị cho đợt lễ tết cuối năm. Theo đánh giá của chúng tôi, nhịp hồi phục nếu có vẫn chỉ trong ngắn hạn, chưa có đủ căn cứ cho rằng nhóm này sẽ bật tăng lại đỉnh chu kỳ như trong Q2.2022.  Cần theo dõi sát hơn diễn biến từ thị trường Trung Quốc khi các biện pháp nới lỏng ngày càng có xu hướng thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu.

 

=> Nắm rõ doanh nghiệp, nhìn thấu vĩ mô, biến thông tin thành lợi nhuận - Thông qua khóa học phân tích cơ bản Let Profit Run từ 26/11 - 08/12/2022. Đăng ký tạihttps://takeprofit.vn/khoa-hoc/let-profit-run?source=web

Nhóm tôm

Như đã đánh giá ở trên, chúng tôi đánh giá thấp tiềm năng của nhóm tôm hơn nhóm cá tra vì 2 nguyên nhân (1) với mặt hàng tôm, các doanh nghiệp Việt Nam không có vị thế tốt như cá tra, do Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới; (2) nhóm tôm tăng trưởng trên nền cao của 2021 trong khi nhóm cá tra có nền năm 2021 khá thấp.

(VASEP)

Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 2022 cũng không quá ấn tượng như cá tra khi chỉ duy trì được đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm trên nền thấp của đầu năm 2021 giai đoạn đầu 2021 các cường quốc xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Ecuador bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Tuy nhiên, đến Q3/2022, đà tăng trưởng chậm lại dần, thậm chí có tháng tăng trưởng âm do (1) lạm phát tại các thị trường tiêu thụ lớn tăng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm (giảm mạnh hơn cá tra vì tôm là mặt hàng có giá thành cao hơn) và (2) các cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đã hồi phục sản lượng, tạo ra mức cung lớn với giá thành cạnh tranh hơn Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi không đánh giá cao triển vọng của nhóm này. 

Một số cổ phiếu nổi bật nhà đầu tư có thể lưu ý

cổ phiếu VHC 

- Như trong các báo cáo đã cập nhật trước đây, VHC – Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra. Sản phẩm chính của công ty là cá tra fillet và cá sản phẩm phụ khác liên quan đến cá tra. Tuy nhiên, doanh thu chủ yếu vẫn đến từ cá tra fillet. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của VHC lần lượt là Mỹ, EU và Trung Quốc trong đó thị trường Mỹ thường nắm vai trò leading. 

- Cập nhật kết quả kinh doanh Q3/2022: VHC tiếp tục ghi nhận một quý với kết quả kinh doanh tăng tích cực. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3261 và 450 tỷ đồng (tương ứng tăng 46% và 76% svck 2021). Lũy kế 9T/2022, VHC ghi nhận Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 10755 và 1787 tỷ đồng (tương ứng tăng 70% và 177% svck 2021). 

- Kết quả kinh doanh rất tích cực 9T/2022, tuy nhiên đây không thể phản ánh tiềm năng của VHC trong tương lai đặc biệt đây là một cổ phiếu ảnh hưởng nặng bởi tính chu kỳ. Báo cáo kết quả kinh doanh Q3.2022 đã phần nào phản ánh rõ sự chậm lại đà tăng về kết quả kinh doanh của cổ phiếu này. 

Biên lợi nhuận trong Q3.2022 giảm do với mức đỉnh Q2/2022 do (1) giá bán cá tra xuất khẩu giảm, (2) VHC phải chia sẻ chi phí vận chuyển với các nhà nhập khẩu để thúc đẩy doanh thu và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong giai đoạn lạm phát hiện nay khi nhu cầu suy yếu dù phần lớn đơn hàng xuất FOB

- Ngoài ra, nhìn vào đồ thị về vốn hóa và lợi nhuận quý ta thấy, 2 chỉ số này thường có xu hướng tạo đỉnh và tạo đáy rất sát nhau. Chính vì vậy, khi lợi nhuận sau thuế của VHC tạo đỉnh trong Q2.2022, đây có thể là tín hiệu sớm cho việc chu kỳ ngành đã tạo đỉnh và vốn hóa (đại diện cho giá cổ phiếu) cũng không còn động lực tăng. 

- Giống như triển vọng nhóm cá tra nói chung, triển vọng của VHC Q4/2022 khả năng sẽ hồi phục nhẹ so với Q3.2022 do kỳ vọng nhu cầu tăng bởi các dịp lễ cuối năm sẽ kéo giá và sản lượng tại các thị trường đều tăng. Tuy nhiên, rất khó để cổ phiếu này quay lại mức đỉnh tăng trưởng như trong Q2/2022 khi nhu cầu hồi phục rất mạnh và nguồn cung cạn kiện sau dịch. 

Cổ phiếu ANV

ANV cũng là một doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ANV là cá tra fillet loại 2, sang các thị trường chủ yếu là Nam Mỹ, Châu Âu, ASEAN, Nga và Trung Quốc. ANV là doanh nghiệp duy nhất tự chủ 100% nguồn cá nguyên liệu với chi phí thấp. Từ 2021 về trước, thị trường TQ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của ANV, tuy nhiên sáng 2022, ANV kết thúc hợp tác với đối tác chiến lược Shanghai Fenglei International vào cuối năm 2021 nên tỷ trọng đã bị giảm xuống. 

(FPTS)

- Cập nhật kết quả kinh doanh Q3/2022: ANV tiếp tục ghi nhận một quý với kết quả kinh doanh tăng tích cực. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1239 và 120 tỷ đồng (tương ứng tăng mạnh so với kết quả kinh doanh Q3/2021 là 656 và -13 tỷ đồng 2021). Lũy kế 9T/2022, ANV ghi nhận Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 3753 và 1787 tỷ đồng (tương ứng tăng 54% và 657% svck 2021). 

- Giống như VHCANV cũng chịu tác động mạnh bởi biến động chu kỳ. Sau khi tăng mạnh trong Q1 và Q2/2022, dấu hiệu tăng trưởng đã chững lại. 

- Dấu hiệu thấy rõ khi Biên lợi nhuận trong Q3/2022 giảm mạnh, LNST cũng giảm mạnh từ mức đỉnh Q2.2022 cùng với đó là dấu hiệu tạo đỉnh của vốn hóa. Chi tiết hơn, số liệu xuất khẩu và giá xuất khẩu theo tháng của ANV cũng đang cho thấy dấu hiệu chững lại đà tăng. 

 

- Giống như triển vọng nhóm cá tra nói chung, triển vọng của ANV Q4/2022 khả năng sẽ hồi phục nhẹ so với Q3.2022 do kỳ vọng nhu cầu tăng bởi các dịp lễ cuối năm sẽ kéo giá và sản lượng tại các thị trường đều tăng. Tuy nhiên, rất khó để cổ phiếu này quay lại mức đỉnh tăng trưởng như trong Q2/2022 khi nhu cầu hồi phục rất mạnh và nguồn cung cạn kiện sau dịch. 

 

Trên đây là báo cáo phân tích chi tiết ngành thủy sản cùng với đó là đánh giá những mã cổ phiếu thủy sản nổi bật như VHC và ANV. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp ích nhiều cho anh chị trong quá trình đầu tư.

 

=> Xem thêm: Khóa học phân tích cơ bản Let Profit Run | Làm chủ cơ hội đầu tư - Biến thông tin thành lợi nhuận