Cuối ngày hôm qua (5/12), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%.
Đây là tin vui và gây bất ngờ vì trước đó dù có nhiều đề nghị nhưng NHNN vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để kiểm soát lạm phát. Lý giải về quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cho biết do "tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hơn". Do vậy Ngân hàng Nhà nước nới room theo hướng các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Tin tức vừa ra đã ngập tràn các mặt báo và trên các diễn đàn, chắc nhiều người cũng cùng thắc mắc room tín dụng là gì? Vì sao NHNN lại phải quy định hạn mức room tín dụng? Và việc nới room có tác động như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết dưới đây nhé.
Trước tiên, room tín dụng là gì?
Hiểu một cách đơn giản, room tín dụng là giới hạn cho vay của một ngân hàng. Việc quy định room tín dụng chính thức triển khai tại Việt Nam vào năm 2011 và vẫn tiếp tục được áp dụng đến nay. Mỗi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định một mức tăng trưởng tín dụng tối đa của toàn ngành ngân hàng.
Ví dụ: Đầu năm 2022, hạn mức tăng trưởng tín dụng dự kiến của ngân hàng X là 14%. Ngân hàng X có quy mô tín dụng là 100.000 tỷ đồng trong năm 2021. Như vậy năm 2022, ngân hàng này được phép cấp tín dụng tối đa là:
100.000 x 114% = 114.000 tỷ
Vì sao Ngân hàng Nhà nước phải quy định hạn mức room tín dụng?
Room tín dụng được đặt ra nhằm mục tiêu kiểm soát tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng, hai mục tiêu này luôn song hành với nhau.
Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng
Trước khi có sự can thiệp của room tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thời điểm đã chạm ngưỡng 30 – 50%. Đây là mức tăng trưởng vượt quá khả năng quản trị của các NHTM. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho ngành tài chính như mất cân đối vốn, mất khả năng thanh toán hay lạm phát... Do đó cần thiết phải đặt ra một giới hạn cho việc cấp tín dụng ngân hàng để đảm bảo an toàn toàn hệ thống.
Chất lượng tín dụng được đảm bảo
Room tín dụng giúp các ngân hàng ý thức được khả năng cho vay là có hạn và sẽ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn khách hàng. Tiêu chuẩn cho vay được đặt ra chặt chẽ cùng việc ưu tiên các hồ sơ minh bạch sẽ hạn chế phát sinh nợ xấu. Bên cạnh đó, người vay cũng hiểu rằng ngân hàng chỉ có thể cho vay trong khả năng có hạn nên sẽ có sự cẩn trọng về số tiền vay và phương thức sử dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng siết room tín dụng trong một số lĩnh vực nhằm hạn chế sự tăng trưởng quá mức, điển hình là các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Ngoài ra mức room tín dụng được phân bổ cũng là một trong các tiêu chí để đánh giá các NHTM. Tỷ lệ phân phối room tín dụng sẽ được quyết định dựa trên sức khỏe tài chính và hiệu quả quản lý tín dụng của một ngân hàng. Khi một NHTM được phân chia mức tỷ suất tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước hoặc thấp hơn các NHTM trong cùng hệ thống có nghĩa là ngân hàng đó có mức rủi ro tài chính trong quá khứ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
=> Ưu đãi 15 ngày trải nghiệm miễn phí toàn bộ tính năng khi Đăng ký Bộ Công Cụ Hỗ Trợ Đầu Tư của TechProfit: https://techprofit.vn/signup?utm_source=web02
Nới room tín dụng là gì và tác động như thế nào?
Việc hết room tín dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngân hàng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang có nhu cầu vay tín dụng, bởi khi ấy ngân hàng đã sử dụng hết giới hạn tín dụng mà NHNN quy định trước đó và không thể tiếp tục cho vay.
Vì vậy, trong một số trường hợp, Ngân hàng Nhà nước có thể “nới” room tín dụng, hiểu đơn giản là NHNN tăng mức giới hạn cho vay của NHTM, đồng nghĩa với việc NHTM sẽ được phép cho vay vượt quá hạn mức ban đầu.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng dựa trên hai cơ sở chính:
– Kết quả xếp hạng từng ngân hàng theo các tiêu chí tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.
– Theo chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ. Như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… Điển hình MB và Vietcombank – các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém – cũng có lợi thế room tín dụng.
Có thể thấy rằng, việc NHNN nới room tín dụng là động thái bẻ khóa tích cực, cho phép các NHTM tiếp tục bơm vốn vào nền kinh tế. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho thị trường. Tuy nhiên không phải mọi ngân hàng đều được nới room như nhau. Ví dụ, những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn và quản trị rủi ro tốt, hay nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém như MB, Vietcombank, VP Bank… thường được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Room tín dụng được nới sẽ gây áp lực nhất định cho tỷ giá, nhưng mức độ không lớn (tín dụng tăng thêm 1%, sẽ làm tỷ giá tăng khoảng 0,33%), điều này cũng không quá đáng ngại khi DXY hiện tại đang trong xu hướng giảm. Bên cạnh đó, nới room tín dụng cũng giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất. Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 - 2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000 - 200.000 tỷ đồng, vào dịp cao điểm kinh doanh cuối năm là rất cần thiết, giải tỏa bớt cơn bí bách về vốn cho doanh nghiệp. Đây là thông tin rất tích cực, giúp khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.
Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Vì vậy, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, vận tải hay các doanh nghiệp có dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng sẽ được hưởng lợi.
Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Thông tin này như “làn gió mới” tác động đến thị trường tài chính cũng như các doanh nghiệp, tuy nhiên chúng ta không nên quá hưng phấn. Bởi thị trường đã phục hồi mạnh trong thời gian vừa qua, đồng thời, lãi suất hiện vẫn neo ở mức cao. Và điều quan trọng là room tín dụng phải chảy vào nhu cầu. Bởi dù còn dư room, nhưng sức căng thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở mức rất cao, vì vậy việc xét duyệt cho vay còn khá nhiều khó khăn. (Số liệu đến cuối tháng 10/2022 cho thấy, tổng mức tín dụng đã tăng trưởng là 11.5%, trong khi đó huy động chỉ mới tăng 4.6%. Điều này vô tình đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng căng cứng. Chỉ số LDR (Loan to Deposit Ratio) của toàn hệ thống tăng mạnh)
Có thể thấy, Room tín dụng đóng vai trò như giới hạn an toàn cho tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng, cho thấy những tác động tích cực đến nền kinh tế, giúp hạn chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về room tín dụng, từ đó có thêm các thông tin hữu ích trong quá trình đầu tư của mình.
Người thực hiện: Hương Lan & Cô Thắm Đầu Tư
=> Xem thêm: Lập kế hoạch giao dịch thực chiến hiệu quả - Tối ưu hóa lợi nhuận trên thị trường