Sau khi FED liên tục tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng có những động thái nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Cụ thể, cả 3 công cụ đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện để ổn định tỷ giá, đó là: Bán dự trữ ngoại hối, tăng tỷ giá trung tâm và tăng lãi suất điều hành. Trong đó, việc bán USD làm giảm mạnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam (từ 110 tỷ USD, tương đương khoảng 16 tuần nhập khẩu xuống còn 85 - 90 tỷ USD tương đương khoảng 12 tuần nhập khẩu), đã đến ngưỡng không thể bán thêm. Tỷ giá trung tâm cũng đã được gia tăng biên độ từ 3% lên 5%. Buộc Ngân hàng Nhà nước phải dựa nhiều hơn vào kênh can thiệp lãi suất với 2 lần tăng lãi suất điều hành trong tháng 10. Bài trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu tác động của việc tăng lãi suất lên thị trường bất động sản. Còn tác động đối với các doanh nghiệp như thế nào? 

Đầu tiên là với các ngân hàng thương mại

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của các Ngân hàng Thương mại gia tăng, nhưng lại muốn giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, điều đó khiến biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, làm giảm lợi nhuận kỳ vọng. Tuy nhiên mức độ tác động với từng ngân hàng không giống nhau, như các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước xu hướng gia tăng chi phí vốn. 

 

Tuy nhiên “ổn định” lãi suất cho vay là kỳ vọng lý tưởng của Ngân hàng Nhà nước. Trần lãi suất cho vay mà Ngân hàng Nhà nước nêu ở đây là mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa cho năm lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại khoản 2 điều 13 Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước, với mức trần hiện tại là 4,5%/năm. Cần biết thêm là cho vay các lĩnh vực ưu tiên, theo ước tính chỉ chiếm từ 20-25% tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Còn lại, các Ngân hàng Thương mại và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, vì thế các Ngân hàng Thương mại cũng khó lòng đánh đổi lợi ích trông thấy được trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng nhanh như hiện nay. Nhiều ngân hàng cũng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng trong khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cao, đặc biệt là dịp cuối năm, khi nhu cầu về vốn phục vụ cho sản xuất tăng mạnh, nên việc lãi suất cho vay tăng là điều tất yếu.

Top 10 ngân hàng có lãi suất vay thấp nhất tháng 11/2022 (Tổng hợp: TheBank)

 

=> Đừng bỏ lỡ khóa học Chứng Khoán Miễn Phí Let’s Investing K10 - Bứt phá năm 2023 với những cơ hội tiềm năng do chính bạn tự tay nắm bắt. Link đăng ký tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing

Tiếp theo là đối với các doanh nghiệp

Trong môi trường lãi suất tăng, doanh nghiệp vay vốn tất yếu phải chịu mức lãi vay cao hơn. Doanh nghiệp sẽ là chủ thể bị tác động mạnh nhất do họ phải đối mặt với khó khăn ở cả 2 khu vực, sản xuất (cung) và thị trường (cầu). 

 

(1) Về thị trường, tăng lãi suất sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, bởi lãi suất huy động tăng lên làm giá trị VND tăng, từ đó sẽ khuyến khích tiết kiệm và giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết.

 

(2) Về sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, hoặc tăng chi phí vốn, một trong những yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Mức lãi suất cho vay cao ở đầu vào sẽ được doanh nghiệp - người vay tự động chuyển vào giá cả ở đầu ra, tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu suy giảm, không phải doanh nghiệp thiết yếu nếu tăng giá sẽ khó trong khâu tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho. Ngoài ra, các doanh nghiệp thường vay tiền từ NHTM để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi lãi suất đi vay tăng, doanh nghiệp có thể phải trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất, ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận trong tương lai. 

 

Doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng hóa, đồng thời nhu cầu tiêu dùng giảm, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô sản xuất và làm giảm nhu cầu tuyển dụng lao động, thành một vòng tròn thắt chặt. Vừa tiếp cận nguồn tín dụng khó, còn chịu thêm lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối năm. Nếu lãi suất tiếp tục cao, càng nhiều doanh nghiệp hạn chế đi vay nhất có thể, doanh nghiệp không dám làm các dự án mới đầu tư cho sản xuất, mở rộng kinh doanh... Họ sẽ vay mượn ngắn hạn, tập trung vào những dự án đang có và hạn chế vay dài hạn, điều này về lâu về dài không tốt cho tăng trưởng kinh tế.

Liệu có doanh nghiệp nào hưởng lợi khi lãi suất tăng? 

Câu trả lời là có. Về mặt lý thuyết thì nhóm Bảo hiểm sẽ hưởng lợi chính vì là đây là những doanh nghiệp cầm tiền và gửi tiết kiệm nhiều nhất. Tiếp theo đó là các đơn vị đang có quy mô tiền ròng lớn nhất (tiền, tương đương tiền trừ đi các khoản vay nợ có lãi suất) do cần bù trừ với tác động từ khả năng ngân hàng tăng lãi suất đầu ra. Đây là những nhóm ngành chúng ta có thể chú ý trong môi trường lãi suất cao.

Cuối cùng, tăng lãi suất cũng không hẳn là “ngày tận thế” với các doanh nghiệp

Nếu có tăng một vài điểm phần trăm thì mức lãi suất cho vay vẫn chưa phải cao đột biến so với diễn biến trong quá khứ, đã từng có lúc lãi suất cho vay lên đến gần 20%/năm. Ngoài ra, để biết doanh nghiệp có chịu được mức lãi suất vay cao hay không thì cần nhìn vào triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ chịu được lãi suất vay cao, nếu họ chuyển được chi phí vay đắt đỏ này vào giá bán và tiêu thụ được sản phẩm của mình, cũng tương tự như khi lạm phát cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sống được. Thêm vào đó số liệu lạm phát mới được công bố thấp hơn dự báo làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ chậm lại trong việc tăng lãi suất.

 

Về phía doanh nghiệp (người đi vay), cần chủ động rà soát các kế hoạch đầu tư, cân nhắc kỹ quy mô, chi phí; đồng thời, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, ưu tiên các dòng vốn huy động trực tiếp và vốn chi phí thấp. Cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, thường xuyên đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình theo hướng loại bỏ tối đa các thao tác dư thừa, tăng năng suất lao động, tối ưu chi phí. Doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận là động lực tăng trưởng của thị trường!

Người thực hiện: Hương Lan & Cô Thắm Đầu Tư