Trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa đã leo thang nóng trong năm 2022, dẫn đến lạm phát diễn ra ở các nước trên thế giới. Tối ngày 13/10/2022, Sẽ công bố chỉ số CPI Mỹ tháng 9 (một chỉ số phản ánh lạm phát). Số liệu CPI được công bố tháng 9 sẽ là một phần để FED đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ của họ. Nhiều nhà đầu tư trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam đều đang chờ đợi việc công bố CPI trong tối ngày hôm nay. Vậy CPI Mỹ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam và tối nay những kịch bản nào có thể xảy ra.

CPI tháng 9 của Mỹ sẽ như thế nào?

 

Nhiều chuyên gia trên thị trường chứng khoán Mỹ kỳ vọng vào việc CPI tháng 9 sẽ là 8.1%. Nếu đúng theo kịch bản dự đoán thì CPI kỳ này sẽ giảm nhẹ so với hồi tháng 8 là 8.3%. Tuy giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng mức kỳ vọng hiện tại cho thấy CPI của Mỹ nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao phản ánh thực trạng lạm phát đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Mỹ.

 

 

Trước đó ngày 07/10/2022, Mỹ đã công bố về tỷ lệ thất nghiệp là 3.5% thấp hơn mức kỳ vọng và số liệu của tháng trước là 3.7%. Cho thấy hiện tại nền kinh tế Mỹ vẫn đang có mức tăng trưởng tốt, nhiều người có việc làm. Nhưng trong bối cảnh lạm phát đang tăng nhanh tại Mỹ thì FED sẽ có những chính sách hi sinh tăng trưởng kinh tế để kiềm chế lạm phát. Với các số liệu về tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn đang ở mức tốt thì FED vẫn có thể cân nhắc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại để kiểm soát lạm phát.

 

 

Ảnh hưởng từ chính sách “diều hâu” của FED đang tác động mạnh đến sức mạnh của đồng Dollar. Chỉ số DXY phản ánh sức mạnh của đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng, sau khi điều chỉnh mạnh từ vùng đỉnh 114 thì chỉ sau hơn tuần thì DXY đã phục hồi lên 113 điểm. Nếu tính từ đầu năm thì DXY đã tăng lên khoảng 18% cho đến thời điểm hiện tại 13/10/2022, khiến cho nhiều đồng tiền của các khu vực khác bị mất giá so với đồng USD trong đó có Việt Nam.

Việt Nam sử dụng công cụ nào để bảo vệ trước tác động của FED?

 

Mặc dù là sức mạnh của đồng USD tăng mạnh từ đầu năm, NHNN (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã có những công cụ để giúp cho đồng nội tệ không bị trượt giá quá nhiều so với đồng USD. Việc kiểm soát tỷ giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế: giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay hợp tác với công ty nước ngoài ít chịu rủi ro về lãi suất, tương tự như dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ được thu hút nhiều hơn khi thấy việc đồng VND ít bị trượt giá so với đồng USD.

 

 

Công cụ được Ngân hàng Nhà nước sử dụng chính trong việc kiểm soát tỷ giá ở đầu năm là Bán ra USD từ Dự trữ ngoại hối. Sau khi trải qua giai đoạn xả USD ra để cân bằng lượng cung cầu, dự trữ ngoại hối hiện tại còn 89 tỷ USD (theo ACBS thời điểm tháng 9). Tuy nhiên, nếu xả quá nhiều USD ra thị trường, thì có thể dẫn đến lượng dự trữ ngoại hồi bị thấp và rủi ro cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy NHNN sẽ phải cân nhắc sử dụng thêm các công cụ khác như tăng lãi suất.

 

 

Đến giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã sử dựng thêm công cụ tăng lãi suất nhằm mục đích kiểm soát lạm phát và tỷ giá tại Việt Nam. Từ việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh từ tháng 7 do Việt Nam cũng đang sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát trong nước và tỷ giá.

 

 

 

Về tình hình lạm phát tại Việt Nam, phản ánh qua chỉ số CPI cho thấy đã có xu hướng tăng từ đầu năm nhưng càng về cuối năm tốc độ tăng càng mạnh. CPI tháng 9 của Việt Nam đạt 3.94% gần bằng mức 4% mục tiêu của Chính phủ. Nhiều khả năng CPI trong nước vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhưng vẫn giữ cho mức CPI cuối năm 2022 ở dưới mức 4%. Vì vậy trong giai đoạn tới NHNN nhiều khả năng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt giống như FED để kiểm soát tỷ giá và lạm phát trong nước.

Ảnh hưởng đến một số nhóm ngành

Bán lẻ và tiêu dùng: bị ảnh hưởng tiêu cực nếu lạm phát tiếp tục tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ giảm khi giá cả hàng hóa leo thang.

Bất động sản: tín dụng cho vay xây dựng và mua nhà của khách hàng bị hạn chế vì vậy dòng tiền đổ vào các doanh nghiệp bất động sản ít đi không hấp dẫn trong giai đoạn này.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu: chịu rủi ro khi tỷ giá không ổn định, bên cạnh đó NHNN vẫn đang nỗ lực kiểm soát tỷ giá.

Các doanh nghiệp dùng nhiều vốn vay: sẽ phải chịu lãi suất cao hơn, và huy động thêm vốn tại thời điểm này gặp khó khăn khi room tín dụng bị đầy

 

Từ chính sách tiền tệ thắt chặt tại Việt Nam, hạn chế bơm tiền ra thị trường vì vậy các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, tiền ảo và bất động sản đều trở nên kém hấp dẫn hơn so với thời gian trước đây. Như việc dòng tiền sẽ bị NHNN thu về, đổ vào các kênh tiền gửi và hoặc lượng tiền để dành của người dân bị ít đi do giá cả hàng hóa leo thang. Kỳ vọng vào việc tình hình kinh tế Mỹ sẽ sớm kiểm soát vào lạm phát và FED quay trở lại bơm tiền sẽ giúp cho các kênh đầu tư như chứng khoán khởi sắc trở lại

 

=> Xem thêm: Nhận định thị trường | Hồi phục trong nghi ngờ - Tìm chiến lược cho các kịch bản sắp tới của VnIndex