- Đầu tư gì trong năm mới luôn là một bài toán đau đầu với các nhà đầu tư. Ở đây mình sẽ chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình với anh chị em về các ngành tiềm năng trong 2022.

Mình sẽ dựa trên 2 tiêu chí chính:

*** Ngành còn dư địa tăng trưởng ( Hưởng lợi từ Vĩ mô, Chu kỳ ngành phục hồi,… )
*** Định giá ngành còn đủ hấp dẫn

Dựa vào 2 tiêu chí trên mình sẽ lựa chọn ra 5 ngành chính. 


1. Doanh nghiệp xây dựng xây lắp được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công

Với tổng quy mô các gói kích thích kinh tế từ lúc có dịch Covid đến nay chỉ khoảng gần 3% GDP khá khiêm tốn so với các nước khác.  Trong khi các quốc gia khác đều tung ra những gói kích thích khổng lồ như Nhật gần 45% GDP, Thái Lan 15.6 % GDP, Malaysia 8.7% GDP, Sing 14.6 %GDP…

Thêm vào đó việc GDP quý 3.2021 ở mức (-6.17% ) và quý 4 dự kiến ở mức 5.22% kéo theo GDP cả năm 2021 chỉ ở khoảng 2.58% khiến chính phủ càng có nhiều lý do kích thích kinh tế hơn trong 2022.

Nợ công theo cách tính mới chỉ ở mức 45% GDP và trần nợ công được đặt ở mức 60% GDP. Lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử khiến chúng ta có nhiều dư địa để vay nợ và tung ra các gói hỗ trợ hơn.

Do vậy những doanh nghiệp xây dựng cầu đường, xây lắp vẫn sẽ được hưởng lợi lớn trong 2022. Một số dự án lớn đáng chú ý như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam, Metro Bến Thành – Suối Tiên…

Những doanh nghiệp thuộc dạng này có thể kể đến họ Licogi, Cienco, Sông Đà, các DN xây lắp điện,… ( tất nhiên không phải mã nào thuộc họ này cũng tốt. Ngoài ra có một ngành cũng được hưởng lợi gián tiếp từ đầu tư công và sự hồi phục của thị trường BĐS đó chính là ngành xây dựng cơ bản. 

Nếu để ý thời gian gần đây HBC CTD liên tục nhận được những hợp đồng xây dựng lớn. Theo công bố của 2 doanh nghiệp này tính đến tháng 11.2021 giá trị hợp đồng ký mới của CTD và HBC lũy kế từ đầu năm lần lượt là 25.000 tỷ và 16.000 tỷ. Tức là đã xấp xỷ mức DT ở đỉnh tăng trưởng trước giai đoạn 2016 – 2017 cho thấy ngành xây dựng cơ bản đang có sự hồi phục rất tích cực. 

2. Doanh nghiệp bất động sản Thương Mại

Năm nào ta cũng phải nghe điệp khúc siết dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên lịch sử chứng minh rằng cứ mỗi lần mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, chính sách mở cửa sâu rộng với bên ngoài và có các gói kích thích kinh tế là lại có sóng BĐS. 

- Lần 1: Đợt Sóng BĐS đầu tiên 1996-1998: Việt Nam chính thức mở cửa với thế giới năm 1995, bình thường hóa với Mỹ, gia nhập Asian sau nhiều năm chỉ quan hệ với khối CNXH. Những đại gia đầu tiên BĐS nổi lên là Tăng Minh Phụng và anh em đại gia Đặng Thành Tâm, Đặng Hoàng Yến, …

- Lần 2: Năm 2006 – 2010
Việt Nam gia nhập WTO, luật doanh nghiệp chính thức được Quốc hội phê duyệt. Dòng tiền từ cơn sốt chứng khoán đổ sang thị trường BĐS đã tạo nên cơn sốt 2007-2009 tại TP HCM và HN. Tiếp tục sau đó là việc bơm 8 tỷ đô của NHNN ra thị trường một cách ồ ạt và không đúng đối tượng đã tạo nên cơn sốt BĐS thứ 2 trong quãng thời gian này. 

- Lần 3: Năm 2016 – 2017
Năm 2016 GDP và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng 2008, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt mức kỷ lục. Hàng loạt các dự án đầu tư công được triển khai từ Bắc chí Nam. Tạo nên cơn sốt BĐS đặc biệt là các khu vực vùng ven

- Năm 2021 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng CP BĐS Thương mại và điều đó Lynch tin rằng sẽ tiếp tục tiếp diễn trong 2022. Lý do, BĐS Thương mại cũng là một ngành được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án đầu tư công. Khi các công trình hạ tầng được xây dựng, giá đất xung quanh cũng sẽ có xu hướng tăng và thu hút được nhiều sự quan tâm hơn. Nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay nhiều nhà đầu tư vẫn sẽ ưu tiên những kênh như BĐS, Chứng khoán, Coin để tối ưu dòng tiền. 

Quan điểm của mình nên chọn những DN BĐS có vay nợ vừa phải, có nhiều dự án đang chuẩn bị mở bán, có quỹ đất lớn đắc địa với giá rẻ. Mã cụ thể thì… hihi

3. Doanh nghiệp bất động sản Khu Công Nghiệp

Đầu tiên, với việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch covid lần thứ 4 phải lockdown 19 tỉnh phía Nam, Hà Nội…, các DN FDI đã gặp rất nhiều trở ngại khi khảo sát và đầu tư thêm vào Việt Nam.  Tuy nhiên khi quyết định  mở cửa nền kinh tế trở lại, sống chung với nó thay vì chiến lược Zero Covid. Dòng vốn FDI đăng ký lập tức tăng trở lại. Lũy kế 11T2021 vốn FDI đăng ký vẫn tăng 11% so với cùng kỳ đã minh chứng điều này

Cái thứ 2, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, khủng hoảng covid và mới đây là cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Rất nhiều các DN quốc tế đã nhận ra rằng họ đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Chỉ cần đất nước tỷ dân này hắt hơi là tình hình kinh doanh của họ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước thứ 3 khác chắc chắn sẽ tiếp diễn không chỉ trong 2022. Tất nhiên việc chuyển dịch này không thể diễn ra ngay trong một sớm một chiều mà sẽ tiếp tục diễn ra trong vài năm tới.

Việt Nam với vị trí thuận lợi, vĩ mô ổn định, mặt bằng chi phí lao động phổ thông ở mức thấp đang là điểm đến hấp dẫn với rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia. Minh chứng là đầu tháng 12 vừa rồi LEGO đã quyết định đầu tư 1 tỷ $ xây dựng nhà máy ở Việt Nam. 

Với ngành này mình cũng ưu tiên những DN có quỹ đất sạch lớn giá rẻ, ở vị trí thuận lợi gần huyết mạch giao thông với những trung tâm kinh tế, đã giải phóng mặt bằng và sẵn sàng cho thuê.

4. Ngành Dầu khí

Với việc giá dầu tăng mạnh trên 65% từ 45$ đầu 2021 đến 75$ đầu 2022 dự kiến sẽ có rất nhiều DN dầu khí được hưởng lợi khi mà tất cả kế hoạch vẽ ra đầu năm chỉ ở mức giá dầu 45 – 50$/ thùng.

Nếu quan sát tình hình kết quả HĐSX KD của các DN dầu khí. Trừ BSR có kết quả tương đối ấn tượng trong năm qua ( vì DT LN ngành lọc hóa dầu biến động rất sát với giá dầu ) các doanh nghiệp dầu khí khác đặc biệt là các DN thượng nguồn như PVD, PVS, PVB,… chưa thể hiện được gì trong Doanh thu lợi nhuận. 

Tuy nhiên không phải cứ giá dầu tăng ngay lập tức tình hình kinh doanh của các DN này được cải thiện lập tức mà thường có độ trễ. Giá dầu tăng không có nghĩa là giá cho thuê giàn khoan tăng, giá dịch vụ tăng tăng ngay được. Mình kỳ vọng những thông tin tích cực từ giá dầu sẽ bắt đầu phản ánh vào trong kết quả kinh doanh năm 2022. Qua đó kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ có những chuyển biến tích cực.

Nếu nhìn giai đoạn thăng hoa của dầu khí năm  2013 – 2015, giá dầu liên tục ở mức trên 100$/ thùng, báo cáo của các DN dầu khí khi đó cũng rất rực rỡ. EPS của PVD có những lúc trên 7.000 đ/ CP, còn EPS của PVS có lúc trên 4.000 đ/CP

Quan điểm của mình trong 2022 giá dầu hoàn toàn có thể chạm lại ngưỡng 100$/ thùng.

5. Ngành Bảo hiểm

Nếu nhìn vào tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm dễ dàng nhận ra đó đều là những tài sản có giá và tính thanh khoản cao như tiền gửi, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp,…Và đặc biệt những tài sản này rất nhạy với lãi suất.

Mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức thấp và không thuận lợi cho các cổ phiếu Bảo hiểm. Tuy nhiên để lãi suất tiếp tục hạ là điều rất khó mà theo quan sát của Lynch nó sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong 2022. 

Đây cũng là nhóm ngành hiếm hoi đang có mức định giá  thấp hơn trung bình 3 năm gần nhất. Thêm vào đó chất xúc tác của ngành đến từ những câu chuyện thoái vốn của BVH hay BMI trong 2022 nên bảo hiểm cũng là ngành rất đáng quan sát trong 2022.

Trên đây là quan điểm cá nhân của mình về 5 nhóm ngành đáng chú ý trong 2022. Nếu anh chị em có quan điểm khác cứ trao đổi cho xôm nhé. Chúc anh chị em mạnh khỏe, có một kỳ nghỉ tết dương ấm áp và vui vẻ bên gia đình!

- Lynch Phan -