Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (cổ phiếu TV2) là một doanh nghiệp giữ vị thế đầu ngành trong lĩnh vực (i) tư vấn xây dựng điện, (ii) kinh doanh tổng thầu EPC và (iii) đầu tư các công trình điện như thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió. Ngoài ra, Quản lý vận hành là mảng mới có nhiều tiềm năng của TV2. Liên tục tăng trưởng tốt trong đại dịch, giá cổ phiếu TV2 cũng tăng mạnh. Cùng nhận định cổ phiếu TV2 có những triển vọng gì trong thời gian tới qua bài viết dưới đây.

Kết quả kinh doanh của TV2

Quý III/2021, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng TV2 vẫn ghi nhận 1.612,7 tỷ đồng doanh thu thuần và 152,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp, lần lượt tăng 55% và 92% so cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, TV2 ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3.319 tỷ và 201,3 tỷ đồng, tăng tương ứng 60% và 38% so cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 90% kế hoạch doanh thu và 74% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2021.

Triển vọng của TV2

  • TV2 có nền tảng tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu quý III/2021 chỉ ở quanh mức dưới 10%. Đây là cơ sở giúp TV2 triển khai cùng lúc nhiều dự án. Mục tiêu giai đoạn 2020 – 2025 của TV2 sẽ tham gia làm chủ 500MW nguồn điện.

  • Dịch vụ quản lý vận hành (QLVH) có rất nhiều tiềm năng và biên lợi nhuận cao: Cuối năm 2019, TV2 đã khánh thành TT Vận hành nhà máy điện từ xa. Trung tâm quản lý từ xa của TV2 sẽ làm giảm nhân lực, vật lực đối với từng nhà máy để tiết giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả phát điện cho chủ đầu tư. Và biên lợi nhuận gộp mảng này lên tới 30-40% do chi phí chủ yếu là nhân công và tài sản vận hành. TV2 hiện đã ký hợp đồng quản lý và vận hành nhà máy điện cho khoảng 35 đơn vị và doanh thu mảng này chiếm khoảng 5% cơ cấu Doanh thu thuần của TV2 nhưng với Biên lợi nhuận cao, mảng này chiếm đến gần 15% cơ cấu LNST của công ty.

  • Tổng thầu EPC điện gió có tiềm năng cao và có thể bù đắp cho sự thiếu hụt hợp đồng EPC nhiệt điện hay điện mặt trời. TV2 là tổng thầu EPC cho điện gió Tân Thuận với tổng công suất lên tới 75 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2.950 tỷ đồng – dự án điện gió gần bờ tại Cà Mau. Cuối tháng 10 vừa rồi, dự án chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD) và đi vào hoạt động đúng hạn trước 1/11/2021.  Với kinh nghiệm của mình đối với dự án điện gió Tân Thuận cùng với vị thế lớn của công ty khảo sát, tư vấn, thiết kế các dự án điện thì TV2 là một ứng viên lớn có thể cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị nước ngoài trong đấu thầu các dự án điện gió. Chúng tôi kỳ vọng trong năm nay và năm sau TV2 sẽ ký được các hợp đồng tổng thầu EPC dự án điện gió để bù đắp sự thiếu hụt từ các dự án ĐMT và nhiệt điện đang bị đình trệ.

  • Lĩnh vực tư vấn điện vẫn là lĩnh vực thế mạnh chủ lực của TV2, làm tiền đề cho các lĩnh vực hoạt động khác của công ty: TV2 là một trong những tên tuổi lớn nhất của tư vấn, quy hoạch lưới điện, khảo sát thiết kế công trình điện. Với việc EVN nắm giữ tới hơn 51% thì các dự án từ công ty mẹ sẽ được ưu tiên hơn các đơn vị khác. Hoạt động khảo sát, báo cáo tiền khả thi, khả thi, đánh giá an toàn hồ đập, tác động môi trường… vẫn sẽ đem lại doanh thu đều đặn cho TV2 trong thời gian tới.

  • Vốn là một công ty tư vấn kỹ thuật, được tiếp xúc với các dự án ngay ở giai đoạn đầu tiên TV2 có lợi thế trong việc lựa chọn các dự án hiệu quả cho danh mục đầu tư của công ty. TV2 có 25% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 và trang trại điện gió Tân Thuận, các khoản đầu tư này sẽ mang lại mức cổ tức ổn định cho TV2 trong tương lai.

  • Nhu cầu tiêu thụ điện kỳ vọng vẫn kỳ vọng duy trì nhịp tăng trưởng trung bình 9% - 10%/năm trong 5 năm tới thúc đẩy nhu cầu xây dựng điện cũng như nguồn thu mới từ khoản vốn đầu tư các dự án năng lượng

  • TV2 hưởng lợi từ việc Việt Nam tăng cường tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và khí hóa lỏng LNG. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII), Chính phủ đang đặt mục tiêu công suất năng lượng tái tạo tăng khoảng 70% và công suất LNG/khí đốt tăng 80% trong 5 năm tới. Đây sẽ là nguồn công việc dồi dào đối với TV2 trong dài hạn

  • Về dài hạn thì TV2 đã đề xuất giảm sở hữu của EVN từ 51% xuống còn khoảng 30%. Dự kiến tới đây sẽ đưa vào trình trong kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025 để TV2 có thể hoạt động tốt hơn, tránh bị các rào cản về luật đấu thầu và chủ động hơn trong công tác kinh doanh. Nếu kế hoạch thoái vốn thành công thì TV2 sẽ có nhiều quyền tự quyết hơn trong các vấn đề kinh doanh, đồng thời vẫn hưởng lợi từ các công trình trong lẫn ngoài EVN để đảm bảo công việc liên tục và tạo những đột phá mới trong doanh nghiệp

Định giá cổ phiếu TV2

Trong quý III/2021, trung bình mã cổ phiếu TV2 đang được giao dịch với mức P/E là 7.7 lần và EPS là 7,060 đồng/cổ phiếu