Ở bài trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về các mô hình đảo chiều theo hướng tăng giá, một trong những tín hiệu sớm để xác nhận đáy, vậy có tín hiệu sớm nào giúp chúng ta nghi ngờ ở đỉnh để thận trọng hơn không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
6 mô hình nến đảo chiều theo hướng giảm giá
1. Shooting Star
Mô hình nến Shooting Star hay còn gọi là nến bắn sao hoặc mô hình nến Pin Bar trong phương pháp Price Action, là mô hình nến đơn xuất hiện với thân nến ngắn nhưng lại có đuôi nến hướng lên dài (ít nhất là gấp đôi thân nến).
Một số đặc điểm nhận dạng mô hình nến Shooting star giúp chúng ta dễ hình dung
Thân nến hơi nhỏ, giá mở cửa gần giá đóng cửa và cả hai mức giá này đều gần mức giá thấp nhất trong ngày
Thân nến có thể là xanh hoặc đỏ, không quan trọng
Đuôi nến trên dài, theo tiêu chuẩn là nên dài gấp đôi phần thân nến
Đuôi nến dưới nếu có thì rất ngắn, hoặc lý tưởng nhất là không có đuôi nến dưới
Nằm tại đỉnh của xu hướng tăng, lý tưởng nhất là đỉnh của chuỗi đỉnh tăng dần
Bạn có thấy mô hình này “quen quen" không? Bingo, nó chính là người anh em sinh đôi cùng cha cùng mẹ nhưng tính cách trái ngược với Inverted Hammer mình đã chia sẻ trong bài trước. Một đứa thường được tìm thấy ở cuối xu hướng giảm, trong khi một đứa thường được tìm thấy ở cuối xu hướng tăng. Đố bạn đứa nào ở đỉnh còn đứa nào ở đáy?
=> Đừng bỏ lỡ khóa học Chứng Khoán Miễn Phí Let’s Investing K10 - Bứt phá năm 2023 với những cơ hội tiềm năng do chính bạn tự tay nắm bắt. Link đăng ký tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing
Diễn biến tâm lý trong mô hình này như thế nào?
Ban đầu thị trường mở cửa tại gần mức giá thấp nhất, sau đó tăng lên rất mạnh trong ngày để rồi cuối cùng trở về chốt phiên ở gần mức giá mở cửa. Như vậy, chúng ta có thể thấy sóng tăng trong ngày đó không phải là sóng tăng bền vững.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, mức giá mở cửa của nến Shooting Star nên cao hơn mức giá đóng cửa của nến liền trước. Tức là phe mua vẫn đang kỳ vọng giá tiếp tục tăng cao hơn mức giá chốt phiên ngày hôm trước và liên tục đẩy giá lên rất cao nhưng lực mua không thắng nổi lực bán chốt lời và giá cuối cùng giảm sâu trở lại. Tuy nhiên, phe bán vẫn còn hơi do dự và phe mua cũng vậy vì giá trong ngày có lúc lên cao quá mà, cho nên họ sẽ cố gắng giữ giá trên mức chốt phiên hôm trước. Nhìn chung phe bán đã thắng thế so với lượng cầu ở mức giá cao.
Mẫu hình Shooting Star chuẩn thường là một tín hiệu nến đảo chiều cực mạnh và không cần phải có nến xác nhận. Tuy nhiên trong thực tế, các tín hiệu hỗ trợ thêm sau khi xuất hiện Shooting Star sẽ giúp mẫu hình này được confirm chắc chắn hơn. Lý tưởng nhất là khi gặp kháng cự hoặc cây nến sau đó giảm mạnh, điều đó cho thấy rằng phe bán đã thực sự chiếm ưu thế và chúng ta nên chốt lời dần.
2. Gravestone Doji
Gravestone Doji là mô hình nến đơn, được tạo ta khi giá mở cửa, giá thấp nhất và giá đóng cửa đều xấp xỉ hay chênh lệnh không đáng kể. Điểm đáng chú ý trong mẫu hình này chính là bóng trên dài. Bóng nến trên dài được hiểu là thị trường đang thử thách để tìm những vùng giá có khả năng xuất hiện lực cung hay vùng kháng cự.
Diễn biến tâm lý trong mẫu hình này cũng gần giống như mô hình Shooting Star. Ban đầu sự tăng giá vẫn có thể được đẩy lên cao theo đà tăng của những ngày hôm trước. Tuy nhiên ở đỉnh điểm của phe mua (lúc giá cao nhất), áp lực bán khổng lồ xuất hiện đẩy giá giảm trở lại và đóng cửa ngay tại giá mở cửa cũng chính là giá thấp nhất trong ngày. Sự tăng giá lúc ban đầu đã bị loại bỏ, phe bán đang kiểm soát hoàn toàn, bóng nến trên càng dài càng thể hiện lực bán càng mạnh và khả năng đảo chiều xu hướng càng cao.
3. Bearish Engulfing
Bearish Engulfing - nến Nhấn Chìm giảm, là một trong những mẫu hình nến Nhật đảo chiều mạnh mẽ nhất, thể hiện sự đuối sức của xu hướng tăng trước đó.
Đặc điểm nhận dạng mô hình Bearish Engulfing
Cây nến đầu tiên là nến tăng (màu xanh hoặc màu trắng).
Cây nến thứ hai là nến giảm (màu đỏ hoặc màu đen).
Phần thân cây nến 2 bao phủ hoàn toàn phần thân của cây nến 1. (Có nghĩa là giá đóng cửa nến 2 < giá mở cửa nến 1, và giá mở cửa nến 2 > giá đóng cửa nến 1).
Hình dạng của cặp nến này đã nói lên toàn bộ diễn biến câu chuyện của thị trường tại thời điểm đó.
Ở cây nến đầu tiên, lực mua lớn tiếp tục đẩy giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa tạo thành một cây nến tăng giá.
Sang phiên tiếp theo, bên bán thấy giá tăng nên đã bán ra chốt lời, áp lực bán mạnh khiến giá bị đẩy xuống và đóng cửa thấp hơn cây nến đầu tiên. Điều này cho thấy phe bán đã lấn át người mua và hiện đang nắm quyền kiểm soát.
Vậy sử dụng mô hình nến Bearish Engulfing thế nào cho hiệu quả nhất?
Nếu để một mình Bearish Engulfing tồn tại, mô hình có vẻ hơi vô nghĩa, vì nó chỉ phản ánh được sự đảo chiều giảm trong một khoảng thời gian rất ngắn, còn không có gì chắc chắn được rằng giá sẽ đảo chiều theo một xu hướng giảm, khi đó chúng ta sẽ rất dễ bị “mất hàng". Tuy nhiên, nếu chúng ta kết hợp với một số chỉ báo kỹ thuật khác thì nó thực sự tỏa sáng.
- Ví dụ dưới đây về cổ phiếu VHM (Vinhomes) là sự kết hợp giữa mô hình Bearish Engulfing và ngưỡng kháng cự. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy giá đang tiến về vùng đỉnh cũ, thậm chí cây nến tăng đầu tiên đã chớm vượt đỉnh, tuy nhiên áp lực bán mạnh khi gặp kháng cự đã khiến giá giảm và hình thành cây nến thứ 2 hoàn thiện mẫu hình. Sau đó giá tiếp tục giảm, xác nhận đảo chiều xu hướng. Điểm bán hợp lý nhất trong trường hợp này là cuối phiên thứ 2 ngay khi vừa hoàn thiện mô hình hoặc đầu phiên tiếp theo nếu muốn dấu hiệu chắc chắn hơn.
4. Evening Star
Mô hình Evening star hay còn gọi là Sao Hôm được cấu tạo gồm 3 cây nến, trong đó:
Cây nến đầu tiên là một nến tăng mạnh với phần thân dài, sự tăng giá chiếm ưu thế tuyệt đối
Cây nến thứ hai là 1 cây nến giảm nhỏ với cả thân nến và bóng nến đều rất ngắn, đôi khi phần thân nến dường như không có. Do đó, cây nến thứ 2 thường có dạng nến Doji hoặc nến Spinning top (nến con quay). Khoảng trống (gap) giữa cây nến thứ 2 với hai nến còn lại càng lớn thì mô hình càng hiệu quả.
Cây nến thứ ba sẽ là 1 nến giảm giá cỡ lớn, có giá đóng cửa nằm trọn vẹn trong cây nến đầu tiền hoặc có độ dài ít nhất phải bằng ½ so với thân nến xanh tăng thứ 1.
Sự xuất hiện của từng cây nến trong mô hình đều là sự mô tả rõ ràng diễn biến tâm lý thị trường:
Cây nến thứ nhất là 1 nến xanh dài thể hiện phe mua đang chiếm quyền kiểm soát thị trường, lúc này giá đã và đang tăng rất mạnh. Sang cây nến thứ hai giá tiếp tục đà tăng tạo thành 1 gap nhỏ, tuy nhiên ngay sau đó phe bán đã xuất hiện kìm hãm đà tăng của phe mua, 2 phe giằng co nhau dần đưa thị trường về thế cân bằng giữa lượng mua và lượng bán. Giá không thể được đẩy lên cao hơn khiến nhà đầu tư có tâm lý chốt lời dần, giá bắt đầu giảm, đến khi cây nến thứ ba hoàn thành chứng tỏ phe bán đã chiếm ưu thế một cách áp đảo, giành quyền kiểm soát sau khi tạo ra được thế cân bằng giữa 2 bên từ cây nến thứ 2 trước đó.
=> Xem thêm: Các mô hình nến đảo chiều mạnh mà bạn cần biết Phần 1
Chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả của mô hình này qua ví dụ về mã cổ phiếu CTD trong 3 phiên từ 6-10/1 mới đây. Đà tăng tiếp diễn từ tháng 11/2021 khiến giá tiếp tục được đẩy lên cao trong phiên thứ nhất và đầu phiên thứ 2, tuy nhiên càng về cuối phiên 2, áp lực bán càng hiện hữu cho thấy sự từ chối của lực cầu ở mức giá cao, kết hợp với tín hiệu phân kỳ RSI làm cho giá tiếp tục giảm trong phiên thứ 3 hoàn thiện mẫu hình. Sau vài phiên hồi nhẹ, giá tiếp tục quay đầu, xác nhận đảo chiều xu hướng.
5. Dark Cloud Cover
Dark Cloud Cover hay còn gọi là Mô hình nến Mây đen che phủ là một mô hình cho thấy dấu hiệu đảo chiều của xu hướng, với độ mạnh vừa phải với 02 nến tín hiệu. Giống như tất cả các mô hình nến đảo chiều từ tăng sang giảm khác, mô hình này thường xuất hiện sau xu hướng tăng giá.
Đặc điểm nhận dạng của mô hình này gồm 2 cây nến, trong đó
Nến thứ nhất là một cây nến tăng dài.
Nến thứ hai không nhất thiết giá mở cửa phải nằm phía trên nến thứ nhất nhưng phải là nến giảm và có giá đóng cửa dưới mức 50% cây nến thứ nhất.
Mô hình Dark Cloud Cover được tạo ra bởi diễn biến tâm lý như thế nào?
Thị trường đang đi lên và tiếp tục tăng mạnh, phe mua với sự hưng phấn đã tạo ra một cây nến thân rất dài và kết quả là một đỉnh mới đã được tạo ra. Tuy nhiên sau đó giá đã bất ngờ gặp phải lực bán ngược chiều, đẩy giá đi khá xa, xuống thấp hơn mức 50% của cây nến đầu tiên. Khi đó mô hình Dark Cloud Cover đã được tạo ra hoàn chỉnh, những người đứng ngoài sẽ bắt đầu hoài nghi về việc liệu giá có còn đủ mạnh để tiếp tục xu hướng tăng không, những người đang cầm cổ phiếu thì có xu hướng chốt lời dần để bảo toàn lợi nhuận. Đến lúc này, thị trường đã từ chối đỉnh được tạo ra trước đó và phe bán dần làm chủ tình thế.
Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng, với các đỉnh và đáy được tạo ra cao hơn thì mô hình Dark Cloud Cover sẽ phát huy tác dụng tốt hơn nếu giá đã đi vào vùng quá mua. Chúng ta có thể kết hợp các chỉ báo như RSI hay MACD để kiểm tra điều này.
Còn khi thị trường đang di chuyển trong một phạm vi giao dịch, tức là giá di chuyển lên xuống giữa 2 vùng kháng cự/hỗ trợ thì mô hình này sẽ phát huy tác dụng tốt hơn nếu nó diễn ra ngay tại ngưỡng kháng cự.
6. Three Black Crows
Three Black Crows hay mô hình 3 con quạ đen, là mô hình nến Nhật được cấu thành từ 3 cây nến giảm (nến đỏ) liên tiếp. Trong đó, mỗi cây nến trong mô hình có giá đóng cửa gần bằng giá thấp nhất trong cùng một cây nến và giá mở cửa nằm trong thân nến trước đó.
Mô hình này nói cho bạn điều gì?
Chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy mô hình này bằng mắt thường mà không cần có tính toán cụ thể nào khi xác định nó. Mô hình 3 con quạ đen xuất hiện cho thấy diễn biến thị trường có sự biến động lớn. Lúc này phe mua đã suy yếu và là thời điểm để phe bán vùng lên. 3 nến giảm phiên liên tiếp chứng tỏ lực bán đang cực lớn khiến giá bị đẩy xuống mạnh mẽ, xác nhận tín hiệu đổi chiều sẽ xảy ra. Kích thước nến càng lớn tín hiệu đảo chiều càng mạnh.
Trên đây là một số mô hình nến đảo chiều giảm thường xuyên xuất hiện trong quá trình giao dịch. Bạn có hay áp dụng những mô trên và tính hiệu quả của nó như thế nào hãy cùng cmt chia sẻ nhé!