Tuần giao dịch vừa rồi mình cũng như nhiều anh chị em đều nghĩ là một tuần giao dịch nhạy cảm và có nhiều biến động vì có 3 sự kiện lớn liên quan tới thị trường như FEB công bố đợt điều chỉnh lãi suất, đáo hạn phái sinh và quỹ ETF cơ cấu danh mục. Các sự kiện trên diễn ra cũng khiến cho chúng ta phần nào thận trọng hơn trong việc giải ngân đúng không?

Nhưng kết quả là cũng không có nhiều bất ngờ xảy ra, thị trường có 4 phiên hồi phục liên tiếp. Chỉ có diễn biến phiên ATC chiều qua, tạo ra sự chú ý của nhiều người hơn. Nhiều anh chị nói: “Xem quỹ cơ cấu đã mắt thật!”. Có những cổ phiếu có kết quả tạm cân giá sàn ở những phút đầu tiên của phiên ATC, mặc dù xuyên suốt trong phiên duy trì trạng thái sắc xanh tăng giá. Ở thời điểm đó, cũng làm không ít anh chị lo lắng, đặc biệt với những người F0 mới tham gia thị trường chưa trải qua nhiều phiên quỹ cơ cấu như này. Và có nhiều anh chị hỏi mình quỹ cơ cấu là như thế nào? Cân lệnh ra sao? Và nó ảnh hưởng gì đến thị trường? Những mã quỹ mua bán đã có bên đối ứng chưa?

Chính vì vậy, mình sẽ chia sẻ trong bài viết để mọi người cùng hiểu bản chất, và không bị lo lắng quá cho những phiên quỹ cơ cấu tiếp theo nhé.

Trước tiên, quỹ ETF là gì?

ETF là tên viết tắt của Exchange Traded Fund tức là quỹ hoán đổi danh mục. Đây là một quỹ đầu tư được thành lập trên cơ sở mô phỏng tỷ suất lợi nhuận của các chỉ số cổ phiếu, trái phiếu hoặc một loại tài sản, hàng hóa nào đó như giá vàng, giá dầu, tỷ giá hối đoái, chỉ số VN30,...

Có các loại quỹ ETF nào?

Hiện nay, có 3 loại quỹ ETF phổ biến có thể kể đến là: quỹ ETF cổ phiếu, quỹ ETF trái phiếu, quỹ ETF theo ngành. Mỗi loại sẽ có cách phân biệt và đặc điểm riêng như sau:

  • Quỹ ETF cổ phiếu 

Đây là quỹ đầu tư mô phỏng biến động của các bộ chỉ số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán như chỉ số VN100, chỉ số VN30, chỉ số S&P 500…

  • Quỹ ETF trái phiếu

Tương tự như quỹ ETF cổ phiếu thì quỹ ETF trái phiếu là loại quỹ mô phỏng những biến động của các bộ chỉ số trái phiếu như: trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, các trái phiếu có khả năng sinh lời cao…

  • Quỹ ETF theo ngành 

Là quỹ mô phỏng biến động của một ngành hay một lĩnh vực sản xuất nào đó. Ví dụ như ngành công nghiệp ô tô, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp…hoặc của một loại hàng hóa.

Ngoài ra còn rất nhiều các loại quỹ ETF khác như: quỹ ETF tiền tệ, quỹ ETF nghịch đảo, quỹ ETF đầu tư thay thế….Nhưng 3 quỹ ở trên là phổ biến và hay gặp nhất.


=> Khóa học đầu tư Miễn Phí LET'S INVESTING - Bí quyết giao dịch hiệu quả. Thực chiến xác định điểm mua, đặt target chốt lời, tính toán để thua ít nhất và thắng nhiều nhất với mỗi deal giao dịch. Bắt đầu từ 08/08/2022 - Đăng ký tại: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing?source=web


Ở Việt Nam, đang có các quỹ ETF nào?

Có khá nhiều, tuy nhiên mình sẽ kể ra đây các quỹ có quy mô tương đối lớn và ảnh hưởng tới thị trường:

  • Quỹ FTSE Vietnam Index ETF là quỹ mô phỏng chỉ số FTSE Vietnam All-Share Index bao gồm các cổ phiếu chiếm 90% giá trị vốn hóa thị trường và chỉ số FTSE Vietnam Index.

  • Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF mô phỏng theo chỉ số MVIS Vietnam Index.

  • Quỹ iShares MSCI Frontier ETF được mô phỏng dựa theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index.

  • Quỹ ETF VFMVN30 mô phỏng theo tỷ lệ chỉ số VN30.

Mỗi chỉ số sẽ có các điều kiện về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành (free float), room ngoại,… Cổ phiếu nào đủ điều kiện sẽ được lọt vào những rổ chỉ số này. 

Lịch review của các quỹ trên là khi nào?

FTSE Vietnam: Tuần thứ 2 và 3 của tháng 3, 6, 9, 12
VanEck (VNM): Tuần thứ 3 của tháng 3, 6, 9, 12
iShares MSCI: Tuần cuối tháng 2, 5, 8, 11
VFM VN30: Tuần thứ 3 của tháng 1, 7

Và đến mỗi khoảng thời gian nhất định này, các chỉ số sẽ được review lại, xem cổ phiếu nào đang trong rổ không còn đạt tiêu chí thì sẽ bị loại ra, cổ phiếu nào bên ngoài đạt tiêu chí thì sẽ được thêm vào. Và sau đó, các quỹ mô phỏng theo chỉ số có thay đổi sẽ cơ cấu mua/bán lại danh mục của mình để khớp theo chỉ số.

Chính vì đã biết trước các tiêu chí có sẵn nên cổ phiếu nào bị loại hay được thêm vào chỉ số sẽ được dự báo trước. Ngoài ra, việc thay đổi này đến ngày cũng sẽ công bố kết quả chính thức. Ví dụ trong lần này:

Khi FTSE Russell và MVIS công bố kết quả danh mục các chỉ số mới và có hiệu lực từ ngày 21/3, do đó các quỹ ETF liên quan sẽ cần hoàn thành tái cơ cấu danh mục vào ngày thứ 6 ( tức 18/3) là phiên hôm qua.

Cụ thể thay đổi như sau:

 1. Chỉ số FTSE Vietnam Index

FTSE Vietnam Index: Thêm DPM, VCG, VND và không loại cổ phiếu nào. Và quỹ FTSE Vietnam Swap UCITS ETF là quỹ mô phỏng theo chỉ số này ước tính sẽ mua khoảng 4.3 triệu VND, 1.5 triệu DPM và 1.6 triệu VCG trong khi hầu hết các cổ phiếu hiện có sẽ bị giảm tỷ trọng (Chi tiết hình 1)

FTSE Vietnam All-share Index: Thêm BCG, FRT, SHB, VCG, VND và không loại cổ phiếu nào. Tuy nhiên, hiện tại không có quỹ ETF nào sử dụng chỉ số này nên các thay đổi này không ảnh hưởng tới các cổ phiếu trên thị trường.

Chỉ số FTSE Vietnam Index và % thay đổi từng cổ phiếu trong danh mục Quỹ FTSE Vietnam Swap UCITS ETF

(Hình 1). Nguồn: SSI

2. Chỉ số MVIS Vietnam Index

8 cổ phiếu được thêm mới trong kỳ này là: CEO, PVD, HUT, BCG, HDG, ORS, DXG, VIX và không có cổ phiếu nào bị loại.

Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF là quỹ mô phỏng theo chỉ số này cũng thay đổi như sau:

Chỉ số MVIS Vietnam Index và % thay đổi từng cổ phiếu trong danh mục Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF

(Hình 2). Nguồn: SSI

Vậy hoạt động cơ cấu quỹ có ảnh hưởng gì đến thị trường?

Vài năm trước khi thanh khoản thị trường còn thấp (dưới 1.000 tỷ chỉ bằng 1/20 so với thời điểm hiện tại) thì việc mua bán của các quỹ ETF, đặc biệt với các quỹ quy mô lớn sẽ gây ra nhiều biến động, do cung cầu trên thị trường không đủ cân, dẫn đến việc cổ phiếu nào bị quỹ bán ra sẽ giảm sàn, cổ phiếu nào được quỹ mua vào sẽ tăng.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, quy mô thị trường ngày một tăng lên cũng đã làm cho tác động của các quỹ ETF ngày một suy giảm. Bằng chứng là những cổ phiếu nằm trong danh mục mua bán tại kỳ tái cơ cấu danh mục lần này cũng như các lần gần đây không còn có biến động tăng/giảm lớn như trước. Những cổ phiếu bị bán cũng đều có lực cầu cân vào khá tốt từ các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức khác trên thị trường. Ví dụ như trong lần review này có VNM, SSI, POW, MSN…là những cổ phiếu có giá trị bán ra nhiều nhất nhưng kết phiên review với % thay đổi chỉ quanh mốc - 1%. Còn việc có màu xanh sàn hiện lên trong những phút đầu của phiên ATC chỉ là lệnh chưa được cân, quan trọng hết phiên ATC mới là giá chốt cuối cùng nên anh chị không phải quá lo lắng ở diễn biến này.


Còn quan điểm của mọi người thế nào? Có thể bổ sung cho bài viết này đầy đủ hơn cũng như có thêm nhiều góc nhìn hơn nhé. Ngoài ra, anh chị có quan tâm về quỹ ETF? Làm thế nào để đầu tư vào quỹ ETF? Ưu, nhược điểm khi đầu tư vào ETF là gì? Và nó khác gì so với đầu tư vào cổ phiếu thì mọi người có thể cmt, mình sẽ chia sẻ trong bài viết tiếp theo nhé!

- Cô Thắm Đầu Tư -


=> Tham khảo: Khóa học đầu tư chứng khoán miễn phí Let's Investing K6 - Nằm ngay bí quyết giao dịch hiệu quả, đón đầu những cơ hội tốt nhất! Bắt đầu từ 08/08/2022