Cùng Take Profit nhận định cổ phiếu QNS thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) là một doanh nghiệp FMCGs có nền tảng nội tại tốt và giá cổ phiếu được hưởng lợi rất lớn từ việc giá commodities, cụ thể là giá đường liên tục tăng từ năm ngoái đến năm nay. Tuy nhiên, trong tương lai, liệu cổ phiếu QNS có tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng gì và mã cổ phiếu này có còn phù hợp để đầu tư không, nội dung video sẽ giải đáp cho anh chị em nhà đầu tư những thắc mắc đó.

Tổng quan về doanh nghiệp (QNS)

Các mảng kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, tình hình tài chính và update kết quả kinh doanh

Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) là doanh nghiệp có một hệ sinh thái khá đầy đủ, hoạt động trong 4 mảng chính: 

- Mảng sữa đậu nành: đây là mảng kinh doanh nổi bật nhất trong hoạt động kinh doanh của công ty khi Vinasoy liên tục giữ vị trí số 1 trong ngành với thị phần đạt 85,8% năm 2020. 

- Mảng đường: QNS cũng sở hữu 2 nhà máy đường là An Khê và Phổ Phong cung cấp 13% sản lượng đường cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc. 

- Mảng điện sinh khối của QNS: Có nhà máy điện An Khê với công suất thiết kế 95MW điện (~27% năng lực sản xuất điện từ bã mía tại Việt Nam). 

- Mảng FMCG: như nhà máy bánh kẹo Biscafun (công suất 11400 tấn bánh kẹo/năm), nhà máy nước khoáng Thạch Bích (công suất 150 triệu lít/năm) và nhà máy bia Dung Quất (công suất 100 triệu lít/năm).

Phân tích lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

- Lợi thế phát triển chuỗi giá trị tương đối khép kín và phụ trợ lẫn nhau:

  • Vùng nguyên liệu mía An Khê là đầu vào cho mảng sản xuất đường 

  • Bã mía là đầu vào cho quá trình sản xuất điện của nhà máy điện sinh khối.

  • Đường và điện tiếp tục là đầu vào của mảng sản xuất sữa đậu nành, bánh kẹo và bia, nước khoáng.


- Năng lực sản xuất sữa: QNS hiện sở hữu 3 nhà máy sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam với tổng công suất thiết kế đạt 395 triệu lít/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ với thị phần lên đến 85% thị phần sữa đậu nành hộp giấy tại Việt Nam. 

- Sở hữu trung tâm nghiên cứu đậu tương riêng và vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước.

- Nhà máy đường An Khê của QNS có công suất ép mía đạt 18.000 TMN, hiện là NMĐ có quy mô lớn nhất cả nước. Việc sở hữu NMĐ với công suất lớn giúp cho doanh nghiệp đạt lợi thế về quy mô. Giá thành sản xuất đường của QNS năm 2018 ở mức ~10.500 – 11.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành trung bình cả nước khoảng 15%.

- Nhà máy điện sinh khối An Khê hiện là nhà máy sử dụng nhiên liệu bã mía có công suất phát điện và nối lưới quốc gia lớn nhất cả nước với công suất 95MW. Trong quá trình luyện đường, QNS sử dụng bã mía để đốt lò hơi. Lượng điện năng thu được từ đốt bã mía được dùng để phát điện cho toàn bộ nhà máy, cũng như phát lên lưới điện quốc gia.

Tình hình tài chính của QNS

Tài sản tăng trưởng qua các giai đoạn chủ yếu là ở tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. Lượng tiền mặt (gồm tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kì hạn) của doanh nghiệp tăng lên đồng pha với sự tăng lên của khoản thu nhập từ lãi trên báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy sự tăng lên của tiền mặt này phản ánh hoạt động kinh doanh cốt lõi của QNS cũng có sự tăng trưởng qua các năm. Sự tăng lên khá lành mạnh từ dòng tiền kinh doanh làm cho tiềm lực tài chính của QNS cũng tốt lên trong cả giai đoạn.

Đối ứng với sự tăng trưởng của tài sản là sự tăng lên bên phía nguồn vốn. Sự tăng lên này đến từ 2 nguồn chính (i) sự tăng lên đều đặn từ lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh (ii) sự tăng lên của vốn góp. Việc tăng lên của 2 mục này ngoài làm phình to tổng nguồn vốn của QNS còn làm thay đổi cơ cấu nợ của công ty, khiến QNS trả hết nợ dài hạn và giảm dần tỷ lệ nợ vay ngắn hạn. Kết quả là cơ cấu nợ vay/TTS của QNS giảm dần và dao động quanh mức an toàn dưới 20%. 

Kết quả kinh doanh QNS quý 3 năm 2021

Trong quý 3, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của QNS đạt gần 2,115 tỷ và 721 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% và 22% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí khác, QNS thu lại lợi nhuận sau thuế 348 tỷ đồng trong quý 3, tăng 49% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía công ty, tốc độ tăng trưởng của thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy đạt trên 10% và đã xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, … Còn ở mảng đường, hiệu quả sản xuất được cải thiện nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 5,776 tỷ doanh thu thuần và 869 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 13% và 30% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, công ty đã thực hiện được 95% mục tiêu lợi nhuận năm.

=> Một số điểm nổi bật: Doanh thu đường 9T +52% yoy, trong đó sản lượng ước tăng 15% yoy trong khi giá đường bình quân tăng hơn 30% yoy. Biên gộp ghi nhận ở mức gần 20,9% so với mức -1,4% năm ngoái.

Doanh thu sữa 9T +6% yoy, trong đó doanh thu tăng trưởng 12% trong Q3 bất chấp ảnh hưởng COVID-19. Trong kỳ, QNS đã giới thiệu nhiều sản phẩm Fami với hương vị mới như dừa, đường đen, gừng, chocolate, v.v qua đó cũng góp phần giúp thị phần tăng lên 91% so với mức 86% cuối năm 2020. Biên gộp mảng sữa giảm hơn 3% so với năm ngoái do giá đậu nành và bao bì tăng. 

- Mảng sữa:

Với lợi thế sở hữu trung tâm nghiên cứu đậu tương riêng, QNS liên tục cho ra mắt các sản phẩm sữa từ đậu nành với hương vị mới để gia tăng thị phần. Ngoài ra, sản phẩm sữa đậu nành Fami của QNS có giá thành rẻ hơn đối thủ lớn thứ hai – Vinamilk (đối thủ tập trung phát triển mảng sữa bò hơn) khoảng 10%, trong khi có hương vị rất phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. => QNS vẫn chiếm vị trí độc tôn với thị phần trên 90% mảng sữa đậu nành hộp giấy (mảng có sản lượng tăng trưởng đều đặn 5%/năm).

  • Diễn biến hạ nhiệt giá đậu nành (chiếm gần 30% chi phí nguyên vật liệu đầu vào) so với vùng đỉnh từ tháng 7 (-25%) sẽ giúp QNS cải thiện về biên lợi nhuận mảng sữa trong quý IV/2021 và đầu năm 2022.

  • Ở chiều ngược lại, giá đường dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ tác động một phần làm thu hẹp biên lợi nhuận của mảng sửa. Tuy nhiên, nguyên vật liệu đầu vào của mảng sữa là đường lại là nguồn mà QNS có thể tự chủ và tự sản xuất được. Cộng với việc giá đường chỉ chiếm chưa đến 10% chi phí nguyên vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất sữa đậu nành. Do đó, tác động của diễn biến giá đường đến biên lợi nhuận mảng sữa không quá lớn.

- Mảng đường:

  • Triển vọng từ việc giá đường thế giới dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo Tổ chức Đường Quốc tế, tương lai vẫn sẽ diễn ra sự thâm hụt đường toàn cầu ở mức cao ~ 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, trong khi sản lượng đường dự trữ trên toàn cầu đang giảm và được ước tính sẽ tiếp tục giảm. Brazil – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới hiện đang suy giảm sản lượng do tình hình thời tiết xấu (hạn hán & sương giá). 


  • Hưởng lợi từ việc áp thuế chống phá giá & chống trợ cấp lên đường nhập khẩu Thái Lan. Kể từ khi áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (AD&AS) đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15 nghìn tấn trong tháng 6 so với mức cao nhất là 183 nghìn tấn trong tháng 4/2020. Do đó, tác động này sẽ tiếp tục giúp gia tăng thị phần và doanh thu của các doanh nghiệp mạnh về sản xuất đường như QNS.

  • Bên cạnh đó, QNS dự kiến sản lượng mía nguyên liệu đầu vào sẽ tăng 50% trong năm tới. Cho niên vụ 2022-2023, QNS kỳ vọng diện tích trồng mía tiếp tục tăng 40%, kỳ vọng sẽ tăng công suất hoạt động cho hoạt động sản xuất đường

  • Đối với NM đường RE: từ đầu tháng 7, NM đường RE chính thức vận hành. Nhờ việc áp thuế đường thô Thái Lan, những doanh nghiệp nội địa có vùng nguyên liệu tự chủ lớn như QNS sẽ được hưởng lợi lớn khi phát triển sản phẩm RE trong tương lai. Mảng đường RE này dự kiến sẽ có sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 33,000 tấn trong năm 2021 và khoảng 95,000 tấn trong năm 2022. Với giá bán đường RE khoảng 16,000 đồng/kg, doanh thu riêng mảng đường RE này dự kiến khoảng 528 tỷ đồng năm 2021.

- Mảng điện sinh khối

Mảng điện sinh khối dự kiến sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới khi QNS dự tính tăng diện tích trồng mía lên 50% cho niên vụ tới => gia tăng sản lượng bã mía trong quá trình sản xuất đường => tăng sản lượng điện sinh khối.

Định giá cổ phiếu QNS

Tiến hành định giá cổ phiếu QNS theo phương pháp FCFF ta có giá cố phiếu tính đến thời điểm cuối năm 2021 là 61,340 đồng/ cổ phiếu. 


Trên đây là những phân tích và nhận định cổ phiếu QNS thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, được Take Profit Việt Nam thực hiện. Chúng tôi luôn đưa ra những thông tin khách quan nhất giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện về mã cổ phiếu mình đang quan tâm. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp ích cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Xin chân thành cảm ơn vì đã theo dõi!